Hàng loạt hậu quả từ biến đổi khí hậu: Hãy hành động trước khi quá muộn!

Nhiệt độ Trái Đất đã tăng thêm 1 độ C chỉ trong 3 năm qua cùng với mực nước biển dâng cao, cháy rừng nghiêm trọng tại nhiều quốc gia, các hình thái thời tiết cực đoan xuất hiện với tần suất ngày một dày hơn, diễn biến phức tạp và khó lường hơn...

Tất cả những điều ấy đã khiến biến đổi khí hậu trở thành một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với nhân loại hiện nay. Các nhà khoa học cho rằng chưa bao giờ cư dân "Hành tinh Xanh" phải gánh chịu hậu quả của biến đổi khí hậu lớn như thời đại ngày nay. Một loạt kết quả báo cáo được đưa ra gần đây đã gióng lên hồi chuông báo động.

Chú thích ảnh
Cảnh khô hạn tại hồ Chilwa ở khu vực Zomba, miền đông Malawi, ngày 19/10. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO), 20 năm nóng nhất trong lịch sử đều xảy ra trong vòng 22 năm qua và năm 2018 có thể trở thành năm nóng thứ 4 trong lịch sử. Trong khi đó, lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính - "thủ phạm" chính gây biến đổi khí hậu toàn cầu - đang ở mức cao kỷ lục, dẫn đến hậu quả là thế giới có thể sẽ chứng kiến mức tăng nhiệt độ từ 3-5 độ C vào cuối thế kỷ này.

Trên tạp chí y khoa The Lancet số ra mới đây, các nhà khoa học đã cảnh báo việc khí hậu biến đổi nhanh chóng đang tác động đến mọi mặt của đời sống con người. Môi trường sống bị ảnh hưởng nghiêm trọng dẫn đến bùng phát dịch bệnh, làm thay đổi cấu trúc gen của các virus bệnh truyền nhiễm tạo ra những biến thể nguy hiểm hơn. An ninh lương thực, nguồn nước sạch bị đe dọa nặng nề. Hàng chục địa điểm trên thế giới có nguy cơ bị đại dương nhấn chìm.

Cháy rừng làm trầm trọng thêm tình trạng ô nhiễm không khí trên diện rộng. Năm 2017, biến đổi khí hậu đã khiến thế giới thiệt hại hơn 320 tỷ USD trong khi 41 triệu người dân ở Nam Á và 900.000 người ở châu Phi phải sống trong cảnh lụt lội. Lớp băng ở Bắc cực vào mùa Đông thấp hơn bao giờ hết, trong khi lượng khí CO2 và Methane trong khí quyển đã lên tới mức cao nhất trong 800.000 năm qua.

Với quyết tâm củng cố kế hoạch hành động nhằm ứng phó với mối đe dọa mang tính toàn cầu nói trên, hơn 20.000 nhà hoạch định chính sách từ 195 quốc gia trên thế giới đang tụ họp tại thành phố Katowice của Ba Lan để tham dự Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 24 (COP 24).

Diễn ra từ ngày 2-14/12, COP 24 được đánh giá là sự kiện rất quan trọng trong bối cảnh Mỹ đã tuyên bố rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu và hầu hết các nước còn lại tham gia thỏa thuận này vẫn chưa thể nhất trí về một nỗ lực chung, dù năm nay đã là thời hạn chót để thông qua chương trình thực thi các cam kết hành động, tiến tới việc Hiệp định Paris chính thức có hiệu lực vào năm 2020, thay thế Nghị định thư Kyoto.

Các nội dung đàm phán tại COP 24 tập trung xây dựng và hoàn thiện các kế hoạch chi tiết về giảm nhẹ, thích ứng, tăng cường năng lực, hỗ trợ tài chính, chuyển giao công nghệ… đối với toàn bộ 195 quốc gia đã ký kết (trong đó 184 quốc gia đã phê chuẩn) Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015.

Trong đó, các nước đang phát triển cần chuẩn bị để chuyển từ tự nguyện cắt giảm khí phát thải (theo tinh thần Nghị định thư Kyoto) sang cắt giảm khí phát thải bắt buộc từ năm 2021 và thực hiện các hoạt động thích ứng biến đổi khí hậu để phát triển bền vững, xóa đói giảm nghèo; còn các nước phát triển cắt giảm khí phát thải mạnh mẽ hơn; thực hiện cam kết cung cấp tài chính, chuyển giao công nghệ cho các nước đang phát triển.

Hiệp định Paris được thông qua tại hội nghị COP 21 diễn ra ở Pháp tháng 12/2015, đã đặt ra mục tiêu tăng cường khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu thông qua việc hạn chế tăng nhiệt độ bề mặt Trái Đất không quá 2 độ C và cố gắng ở mức thấp hơn 1,5 độ C so với giai đoạn tiền công nghiệp.

Để thực hiện được điều này, từ nay đến năm 2030, cần giảm 50% lượng khí phát thải so với năm 2010. Tại COP 21, 18 nước phát triển đã cam kết tài trợ 100 tỉ USD mỗi năm từ năm 2016 đến năm 2020 cho các chương trình khí hậu của các nước đang phát triển, nhưng số tiền huy động được tính đến thời điểm này mới chỉ dừng lại ở con số hơn 70 tỉ USD.

Theo Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, ước tính, biến đổi khí hậu khiến nền kinh tế toàn cầu gánh chịu thiệt hại lên đến 21.000 tỷ USD vào năm 2050. Ông đồng thời nhấn mạnh thế giới chưa hoàn toàn hết hy vọng vì đang xuất hiện nhiều công nghệ và sáng kiến giúp giải quyết vấn đề này và đây là những khoản đầu tư thông minh cho trong một tương lai "Xanh", bình đẳng, thịnh vượng và bền vững. Tuy nhiên, nếu các quốc gia không quyết tâm và gấp rút vào cuộc, biến đổi khí hậu sẽ nhanh chóng trở thành “cơn ác mộng” đối với sự sống của loài người.

Là một quốc gia nằm trong danh sách các nước hàng đầu gánh chịu  tác động của biến đổi khí hậu, Việt Nam đã rất chủ động, tích cực thực hiện các cam kết quốc tế, xây dựng và triển khai công tác ứng phó biến đổi khí hậu trong nước. Ưu tiên trước hết của Việt Nam là phối hợp cùng các nước tham gia Hiệp định Paris, tìm cách thích ứng với biến đổi khí hậu để tồn tại và phát triển, đồng thời có thể đóng góp nhiều hơn nữa cho giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Việt Nam cam kết giảm 8,8-9% lượng khí phát thải đến năm 2030.

Biến đổi khí hậu là thách thức lớn mang tính toàn cầu, chính vì vậy, nỗ lực riêng lẻ của mỗi quốc gia không bao giờ đủ để cứu "Hành tinh Xanh", mà cần sự đồng lòng, chung tay của tất cả các nước, các vùng lãnh thổ. Chống biến đổi khí hậu là cuộc chiến còn nhiều gian nan, bởi bài toán lựa chọn giữa phát triển nhanh với phát  triển bền vững, bởi sự giằng xé giữa nghĩa vụ và lợi ích đan xen.

Năm 2017, Mỹ đã tuyên bố rút khỏi Hiệp định Paris vì cho rằng thỏa thuận này là không công bằng với "Xứ Cờ hoa". Theo thỏa thuận của chính quyền Tổng thống tiền nhiệm Barack Obama, Mỹ đồng ý sẽ cắt giảm từ 26%-28% mức khí thải năm 2005 vào năm 2025. Tuy nhiên, Tổng thống Donald Trump cho rằng Hiệp định Paris mang đến cho các nước khác lợi thế so với ngành công nghiệp Mỹ và phá hủy việc làm ở quốc gia này.

Với quyết định rút khỏi Hiệp định Paris 2015 - chính thức có hiệu lực từ tháng 11/2020, Mỹ sẽ đứng cùng phía với Syria và Nicaragua - hai nước không tham gia thỏa thuận này. Sự bất hợp tác của Washington chắc chắn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến thỏa thuận khi Mỹ là nước có lượng khí phát thải lớn thứ hai thế giới chỉ sau Trung Quốc. Ngoài ra, các nước ủng hộ thỏa thuận lo ngại quyết định của Mỹ sẽ khiến nhiều nước rút theo, hoặc giảm cam kết cắt giảm khí thải.

Bà Laurence Tubiana, Giám đốc điều hành Quỹ Tài trợ khí hậu châu Âu và là "kiến trúc sư" chính của Hiệp định Paris, cho rằng kết quả của COP 24 năm nay có thể cho thấy liệu có xảy ra "hiệu ứng domino" sau sự rút lui của Mỹ hay không. Trước đó, trong chiến dịch tranh cử, Tổng thống đắc cử Brazil Jair Bolsonaro đã tuyên bố sẽ "nối gót" Mỹ, đưa Brazil ra khỏi Hiệp định Paris do không đồng ý với những biện pháp bảo vệ rừng Amazon, đồng thời rút đơn đăng cai COP 25 vào năm 2019.

Việc đạt được sự đồng thuận trong 2 tuần diễn ra COP 24 thực sự là một nhiệm vụ không hề dễ dàng, đòi hỏi các nhà đàm phán từ 195 quốc gia phải thể hiện ý chí mạnh mẽ để đạt được mục tiêu đề ra, cứu Trái Đất trước khi quá muộn. Với khẩu hiệu "Cùng thay đổi", nước chủ nhà Ba Lan cam kết làm hết sức mình để một bộ quy chuẩn hướng dẫn triển khai thỏa thuận sẽ được thông qua tại hội nghị lần này.

Thanh Phương (TTXVN)
Liên hợp quốc khẳng định mục tiêu hàng đầu kiềm chế biến đổi khí hậu
Liên hợp quốc khẳng định mục tiêu hàng đầu kiềm chế biến đổi khí hậu

Phát biểu ngày 2/12 Chủ tịch Đại Hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) khóa 73, bà Maria Espinosa đã khẳng định các nước sẽ phạm sai lầm nếu lựa chọn giữa các mục tiêu kiềm chế tốc độ ấm lên của Trái Đất và vấn đề việc làm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN