Theo đề án này, trên cơ sở các quyết định được đưa ra liên quan đến tỷ lệ năng lượng tái tạo trong số các nguồn năng lượng hỗn hợp hoặc liên quan đến tiêu chuẩn khí thải trong ngành vận tải, EU đang đi đúng hướng để có thể hoàn thành mục tiêu tốt hơn dự kiến. EU từng đặt mục tiêu giảm 40% lượng khí thải từ nay đến năm 2030 so với thời điểm năm 1990, song thực tế tỷ lệ này còn có thể đạt được tới 45%. Với chiều hướng này, nhiều khả năng EU sẽ đạt được mục tiêu giảm 60% lượng khí thải từ nay đến năm 2050.
Trong đề án về chiến lược khí hậu, EC cũng đặt ra 8 mục tiêu khả thi, trong đó có 2 mục tiêu tham vọng nhất là nhằm vào vấn đề phát thải khí Cácbon trung tính đến năm 2050. Để có thể đạt được mục tiêu, theo tính toán, EU sẽ phải dành 2,8% GDP mỗi năm, tương đương 290 tỷ euro cho đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Mặc dù chi phí đầu tư tốn kém, đề án có thể mang lại lợi ích kinh tế lên đến 2% GDP của EU vào năm 2050, đồng thời tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho người lao động, đặc biệt là trong các lĩnh vực năng lượng tái tạo. Ngoài ra, chưa tính đến lợi ích về sức khỏe cộng đồng, các nước thành viên EU còn có thể giảm được chi phí từ 2-3 nghìn tỷ euro cho nhập khẩu hydrocarbon từ nay đến năm 2050.
Tuy nhiên, theo nhận định của giới chuyên gia kinh tế khu vực, sự lựa chọn mang tính chính trị đầy tham vọng của EU chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn và thách thức. Các ngành công nghiệp tiêu thụ năng lượng nhiều nhất có thể sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Do đó, các quốc gia thành viên cần phải thận trọng hơn, nhất là trong bối cảnh làn sóng phải đối việc tăng thuế môi trường đối với nhiên liệu đang dâng cao tại Pháp. Trong khi đó, Đức cũng bày tỏ quan ngại mục tiêu giảm khí thải của EU sẽ tác động tiêu cực đến ngành công nghiệp ô tô của nước này.