Bộ trên nêu rõ Hàn Quốc chọn giữ lại một trạm gác, được xây dựng ở bờ biển phía Đông năm 1953, do đây là cơ sở có giá trị lịch sử và tiềm năng thúc đẩy hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. Trong khi đó, Triều Tiên chọn một trạm gác ở trung tâm khu vực biên giới với tiêu chí riêng. Dù quyết định giữ lại 2 trạm gác trên, song hai bên sẽ rút toàn bộ vũ khí và các trang thiết bị quân sự khác khỏi đây.
Tại cuộc hội đàm cấp tướng diễn ra giữa hai miền Triều Tiên hồi tháng trước, hai bên nhất trí đến cuối tháng 11 này, mỗi bên rút 11 trạm gác ở Khu vực Phi quân sự (DMZ) và xác nhận việc dỡ bỏ các trạm gác này vào tháng 12 tới.
Kế hoạch này được thực hiện theo thỏa thuận quân sự mà lãnh đạo quốc phòng hai nước ký trong khuôn khổ cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ ba giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại thủ đô Bình Nhưỡng hồi tháng 9.
Hai bên nhất trí giải giáp vũ khí tại Khu vực An ninh chung (JSA) bên trong DMZ, tiến hành dự án chung nhằm khai quật hài cốt các binh lính trong Chiến tranh Triều Tiên (1950-53) trong DMZ, đồng thời thiết lập vùng đệm trên bộ, trên không và trên biển.
Bộ Quốc phòng Hàn Quốc nhấn mạnh nhà chức trách Hàn Quốc và Triều Tiên sẽ thực hiện mọi nỗ lực cần thiết nhằm đảm bảo kế hoạch trên sẽ được hoàn tất từ nay đến cuối tháng 12 tới, đồng thời vạch ra các biện pháp nhằm thúc đẩy sự tin cậy lẫn nhau và tính minh bạch trong quá trình dỡ bỏ các trạm gác trên cơ sở kiểm tra.
Theo Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, ước tính chi phí để thực hiện thỏa thuận quân sự trên sẽ mất thêm khoảng 10,1 tỷ won (tương đương 9,04 triệu USD) vào năm 2019. Như vậy, bộ này dự kiến đến năm tới, cần tổng cộng khoảng 15 tỷ won để triển khai thỏa thuận trên.
Hiện Chính phủ Hàn Quốc đã dành khoảng 4 tỷ won từ ngân sách năm nay, song vẫn chưa đề cập đến khoản bổ sung 10,1 tỷ won để triển khai thỏa thuận quân sự trong đề xuất ngân sách cho năm tới.