Theo phóng viên TTXVN tại Hàn Quốc, Seoul đang vạch kế hoạch cung cấp viện trợ lương thực vì cho rằng tình trạng thiếu hụt lương thực ở Triều Tiên có thể trầm trọng hơn do các lệnh trừng phạt quốc tế và nhiều năm trong điều kiện thời tiết không thuận lợi. Chính phủ Hàn Quốc hiện đã tiến hành thu thập ý kiến người dân trước khi xác định thời điểm, cách thức và hình thức hỗ trợ nào sẽ dành cho Triều Tiên.
Quan chức trên dẫn một báo cáo gần đây của Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) và Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO) cho biết sản lượng thu hoạch mùa màng của Triều Tiên trong năm 2018 giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2008 và khoảng 10 triệu người ở nước này, tương ứng với 40% dân số, đang cần lương thực khẩn cấp. Báo cáo chỉ ra rằng tình hình lương thực có thể xấu đi vào thời gian giáp hạt từ tháng 5 đến tháng 9, nếu các hành động hỗ trợ khẩn cấp không được tiến hành. Do đó, quan chức của Bộ Thống nhất cho rằng Hàn Quốc cần xác định khoảng thời gian đó là thời gian Triều Tiên cần hỗ trợ.
Hàn Quốc hy vọng viện trợ lương thực tại Triều Tiên sẽ giúp giảm bớt tình hình khó khăn tại nước này và giúp đảm bảo "sự sống" của tiến trình đàm phán phi hạt nhân hóa vốn đang bế tắc.
Tại Hội nghị thượng đỉnh liên Triều ngày 27/4/2018, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên đã ký kết Tuyên bố chung Panmumjom trong đó thống nhất cùng nỗ lực hướng tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên và cải thiện quan hệ song phương, theo đó hạ nhiệt căng thẳng quân sự và mở rộng trao đổi và hợp tác xuyên biên giới.
Sau 3 cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo hồi năm ngoái, tiến trình cải thiện quan hệ giữa hai nước, đặc biệt là hợp tác kinh tế, đang "giậm chân tại chỗ", chủ yếu do mâu thuẫn giữa Mỹ và Triều Tiên về vấn đề phi hạt nhân hóa. Đầu tháng này, Tổng thống Moon Jae-in đã bày tỏ hy vọng tiến hành hội nghị thượng đỉnh lần thứ tư với nhà lãnh đạo Kim Jong-un nhằm cải thiện quan hệ liên Triều và giúp đẩy mạnh các cuộc đàm phán phi hạt nhân đang bị đình trệ giữa Washington và Bình Nhưỡng.