Hàn Quốc nỗ lực xóa bỏ “văn hóa làm thêm giờ”

Mặc dù đã 8 giờ tối, song điện ở nhiều văn phòng trong các tòa nhà cao tầng ở trung tâm thủ đô Xơun vẫn sáng trưng. Với phần lớn các nhân viên văn phòng ở Hàn Quốc, được làm việc trong giờ hành chính (từ 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều) như các nước khác thực sự là một giấc mơ xa xỉ.

“Tôi làm việc quá giờ ít nhất 4 ngày/tuần”, một thanh niên họ Lee, 30 tuổi, cho biết. Công ty của Lee, cũng như hầu hết các công ty ở Hàn Quốc, đều không trả thù lao làm thêm giờ cho các nhân viên. Tuy nhiên, sau khi hết giờ làm việc chính thức trong ngày, các nhân viên vẫn ở lại công ty ít nhất từ 30 phút đến 1 giờ, đôi khi còn nhiều hơn thế.

Nhiều văn phòng ở thủ đô Xơun, điện luôn sáng đến tối muộn. Ảnh: Internet


Tại Hàn Quốc, rất nhiều người vẫn còn những suy nghĩ cần phải làm việc nhiều hơn nữa và việc ở lại sau khi hết giờ hành chính là một chuyện bình thường. Họ cũng lo lắng tiền đồ của mình sẽ bị ảnh hưởng nếu như rời khỏi công ty trước ông chủ. Do vậy, người Hàn Quốc làm việc nhiều giờ hơn bất kỳ nước nào trong số các thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), với mức trung bình 2.243 giờ/năm hoặc 46,6 giờ/tuần (theo số liệu năm 2009 của OECD).

Như vậy nhiều hơn 500 giờ/năm so với Nhật Bản và 900 giờ so với Đức. Giáo sư tâm lý Yang Yoon ở trường đại học Ewha Womans, Hàn Quốc, cho biết: “Kinh tế Hàn Quốc vẫn có tiềm năng để tăng trưởng và người dân Hàn Quốc có tính cách dân tộc mạnh mẽ trong cạnh tranh và luôn cố gắng hoàn thành công việc sớm nhất có thể. Chính việc kết hợp hai yếu tố này đã tạo nên cái gọi là văn hóa làm việc quá giờ của người Hàn Quốc”.

Các nhân viên trong các công ty Hàn Quốc thường không phàn nàn về những ngày làm việc dài của mình. “Làm việc muộn có thể chấp nhận được. Rất nhiều lúc tôi nghỉ muộn để kết thúc báo cáo hay nhiệm vụ trong ngày của mình”, anh Shin, 29 tuổi, một nhân viên công ty điện tử, cho biết. Đôi khi, việc làm thêm giờ lại là một mục tiêu phấn đấu của công ty và nhận thức chung cho rằng làm việc thêm giờ là một đức tính tốt, điều đó giúp cho những nhân viên có mức lương thấp sẵn sàng ngồi bền bỉ trên bàn mình cho đến khi tối muộn.

Giáo sư Yang cho biết: “Thế hệ trước, những người đã làm việc trong suốt thời kỳ kinh tế tăng vọt ở nước này, hầu như đều làm việc quá giờ giống như người Nhật thời kỳ những năm 1970”. Anh Kim, 29 tuổi, cũng đồng ý cho rằng thật khó để có thể đứng dậy ra về nếu như đồng hồ nói rằng bạn có thể đi nhưng chủ của bạn vẫn còn ngồi đó. Kim cho biết người đứng đầu công ty luôn muốn anh ta về muộn để còn giao thêm nhiều việc và thường xuyên hỏi “Tại sao cậu về sớm vậy?”.

Còn theo anh Lee, nỗi sợ đánh mất cơ hội thăng tiến đã khiến các nhân viên ngồi làm việc lâu hơn trên chiếc bàn của mình. Tuy nhiên, việc làm thêm giờ không phải là một điều tốt và chính phủ Hàn Quốc đang nỗ lực xóa bỏ văn hóa “làm thêm giờ” này. Số liệu của OECD cho thấy năng lực sản xuất của Hàn Quốc (sản lượng trong tất cả các lĩnh vực trong một giờ làm việc) chỉ đứng thứ ba từ dưới lên trong số 30 nước thuộc OECD.

Bộ Lao động Hàn Quốc cho biết cắt ngắn thời gian làm việc có thể cải thiện được cả cuộc sống và năng lực sản xuất. Tuy nhiên, những thói quen lâu năm này cần phải có thời gian để thay đổi. Bộ Lao động Hàn Quốc năm 2004 đưa ra chính sách làm việc 40 giờ/tuần đối với các công ty có hơn 1.000 nhân viên.

Và sau đó là mở rộng áp dụng đối với các công ty có số nhân viên ít hơn. Tháng 12/2010, bộ này cũng thông báo chính thức áp dụng luật trên cho các công ty có dưới 20 nhân viên kể từ tháng 7 năm nay. Theo số liệu thống kê, Hàn Quốc có khoảng 300.000 công ty với khoảng 2 triệu nhân viên.

Ông Jo Won-Shik, một quan chức bộ này, trong một cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin AFP cho biết: “Nếu như chính sách giảm thời gian làm việc được thực thi, chất lượng cuộc sống và hiệu quả công việc hy vọng sẽ được cải thiện”.

Ông nhấn mạnh: “Năng lực sản xuất thường tỷ lệ nghịch với số giờ lao động, do vậy số giờ làm việc thấp đồng nghĩa với việc năng lực sản xuất cao”. Bộ Y tế Hàn Quốc hồi tháng 1/2010 đã ra thông báo yêu cầu tất cả các văn phòng mỗi tháng một lần phải tắt điện trước 19 giờ 30 nhằm khuyến khích các nhân viên về nhà sớm để có nhiều thời gian chăm sóc gia đình. Giáo sư Yang đang hy vọng văn hóa “tham công tiếc việc” của người Hàn Quốc sẽ sớm mất đi trong thời gian tới.

Ông cho rằng khi kinh tế Hàn Quốc phát triển đến tầm cao và khi thế hệ thanh niên hiện nay nắm được một vị trí quan trọng trong công ty, lúc ấy văn hóa làm thêm giờ của người Hàn Quốc sẽ mai một.

Lê Hải (tổng hợp)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN