Hàn Quốc mở rộng điều tra vụ chìm phà Sewol

Ngày 28/4, các công tố viên và cảnh sát Hàn Quốc đã tiến hành một loạt vụ khám xét nhằm mở rộng điều tra các cá nhân có liên quan đến vụ chìm phà Sewol.

Các công tố viên đã khám xét Phòng Tình hình của Lực lượng cảnh sát biển tại thành phố cảng Mokpo, phía Tây Nam nước này, thu giữ các tài liệu, bản ghi âm các cuộc đàm thoại nhằm xác định liệu các viên chức đã thực hiện đúng chức trách hay chưa trong những thời khắc ban đầu xảy ra vụ tai nạn. Đây là nơi gần với vùng biển xảy ra vụ chìm phà và cũng là nơi tiếp nhận cuộc gọi đầu tiên của một học sinh 18 tuổi đi trên tàu vào số điện thoại khẩn cấp 119 tại Hàn Quốc.

Theo băng ghi âm được công bố, viên chức tiếp nhận cuộc gọi đã yêu cầu học sinh trên cung cấp vị trí “kinh độ và vĩ độ”, làm dấy lên dư luận phản đối về cách thức làm việc quan liêu, xa rời thực tế và làm lãng phí những thời khắc quan trọng trước khi lực lượng khác bắt đầu công tác cứu hộ. Bên cạnh đó, Lực lượng cảnh sát biển nước này cũng bị chỉ trích vì đã cứu thuyền trưởng và 20 nhân viên chiếc phà Sewol - những người đã ra lệnh di tản chậm trễ và bỏ mặc những hành khách khác còn ở trên phà.

Thuyền trưởng Lee Joon-seok lúc được đội cứu hộ giải cứu.


Một đoạn video clip, công bố ngày 28/4 cho thấy thuyền trưởng Lee Joon-seok đã được cứu bởi các nhân viên cứu hộ - những người đầu tiên tiếp cận chiếc phà khi nó đang bị nghiêng rất lớn và chuẩn bị lật úp. Thậm chí, một nhân viên cứu hộ còn bỏ ra đến 10 phút để ghi lại cảnh cứu ông Lee bằng điện thoại di động.

Trước đó, chính quyền Hàn Quốc cũng đã khám xét Văn phòng Dịch vụ giao thông hàng hải trên đảo Chindo - nơi đặt Trung tâm cứu hộ khẩn cấp, để điều tra về những sai lầm khi ứng phó trong tình trạng khẩn cấp. Cho đến nay, chính quyền Hàn Quốc cũng đã bắt giữ tổng cộng 15 nhân viên phà Sewol với cáo buộc sơ suất khi làm nhiệm vụ và bỏ mặc hành khách.

Trong một diễn biến liên quan, ngày 27/4, các công tố viên Hàn Quốc đã khám xét văn phòng các công ty liên kết với công ty Cheonghaejin Marine, chủ sở hữu phà Sewol và nhà riêng ông Yoo Byung-eun, cựu Chủ tịch công ty trên, nhằm điều tra về những cáo buộc cho rằng các công ty trá hình này đã được lập ra nhằm gây quỹ và chuyển tiền bất hợp pháp ra nước ngoài.

 

Các công tố viên nghi ngờ rằng hai con trai ông Yoo đã lập ra ít nhất 3 công ty trá hình để nhận 20 tỷ won (khoảng 19,2 triệu USD) phí tư vấn từ 30 công ty liên kết của Công ty Semo Marine, chủ sở hữu trước của phà Sewol, và chuyển số tiền trên ra nước ngoài. Ngoài ra, gia đình ông Yoo cũng bị nghi ngờ chuyển bất hợp pháp 100 triệu won ra nước ngoài thông qua các công ty liên kết.

Thi thể các nạn nhân được chuyển đi bằng trực thăng.


Cùng ngày, Văn phòng công tố viên quận Incheon, phía Tây Seoul, cho biết có kế hoạch triệu tập các quan chức cao cấp của Hiệp hội Vận chuyển Hàn Quốc - đơn vị giám sát vận hành phà Sewol, để điều tra xem liệu họ có nhận hối lộ từ công ty bảo hiểm cho chiếc phà trên hay không.

Liên quan đến việc Thủ tướng Hàn Quốc Chung Hong-won đệ đơn từ chức để nhận trách nhiệm về vụ chìm phà Sewol, Tổng thống Park Geun-hye cùng ngày đã chấp thuận đơn từ chức của ông Chung, song yêu cầu ông tiếp tục ở lại vị trí cho đến khi “khắc phục xong hậu quả và ổn định được tình hình”.


Cũng trong ngày 28/4, Hàn Quốc đã yêu cầu Nhật Bản và Trung Quốc thông báo cho nước này biết nếu phát hiện thấy bất kỳ thi thể nào dạt vào bờ biển hai nước trong bối cảnh có nhiều lo ngại rằng các nạn nhân thiệt mạng trong vụ chìm phà có thể không được tìm thấy. Các thợ lặn Hàn Quốc vẫn đang nỗ lực tìm kiếm các nạn nhân trong chiếc phà Sewol, bị chìm hôm 16/4. Tuy nhiên, hơn 60 giờ trôi qua, đội cứu hộ vẫn chỉ tìm thấy thêm 1 thi thể. Hiện số người thiệt mạng trong vụ chìm phà đã lên đến 188 người, và 114 người vẫn còn mất tích. Số người được cứu sống là 174 người. Các cơ quan chức năng Hàn Quốc cam kết sẽ tăng cường nỗ lực nhằm không để các thi thể nạn nhân mất tích ngoài biển. Đội tìm kiếm đã lên kế hoạch tìm kiếm trong phạm vi 8 km xung quanh chiếc phà chìm.

Hiện Chính phủ Hàn Quốc tiếp tục bị chỉ trích kịch liệt về vụ chìm phà Sewol và xử lý công tác cứu hộ không hiệu quả. Dư luận cho rằng vụ việc trên cũng làm bộc lộ nhiều vấn đề trong công tác giám sát an toàn hàng hải của chính phủ.


Phạm Duy(Đưa tin từ Jindo, Hàn Quốc)

Thủ tướng Hàn Quốc xin từ chức vì vụ chìm phà
Thủ tướng Hàn Quốc xin từ chức vì vụ chìm phà

Ngày 27/4, Thủ tướng Hàn Quốc Chung Hong-Won đã đệ đơn từ chức do vụ chìm phà hành khách Sewol, khiến hơn 300 người chết và mất tích.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN