Các container được cho là chứa thiết bị của hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tại Seongju, tỉnh Bắc Gyeongsang, Hàn Quốc ngày 30/5. Ảnh: YONHAP/TTXVN |
Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, trong một tuyên bố, người phát ngôn Park Soo-hyun của Tổng thống Moon Jae-in cho biết trong cuộc gặp với Thượng nghị sỹ Mỹ Dick Durbin đang ở thăm Seoul, nhà lãnh đạo Hàn Quốc nêu rõ nước này sẽ tiếp tục cho phép THAAD được triển khai tại đây theo những thủ tục của Hàn Quốc. Tổng thống Moon Jae-in nhấn mạnh: “Các thủ tục liên quan đến THAAD hoàn toàn là các thủ tục trong nước, chúng tôi không có ý định thay đổi quyết định hiện nay hay đưa ra một thông điệp khác với phía Mỹ”.
Cũng tại cuộc gặp trên, Tổng thống Moon Jae-in khẳng định không coi nhẹ thỏa thuận giữa hai nước về THAAD mặc dù đây là thỏa thuận của chính phủ trước đây. Tuy nhiên, ông yêu cầu phải tiến hành đánh giá ảnh hưởng môi trường của việc này, đồng thời nhấn mạnh việc triển khai cần phải tuân thủ chặt chẽ các thủ tục.
Trước đó một ngày, Tổng thống Moon Jae-in đã ra lệnh tiến hành cuộc điều tra đặc biệt đối với thông tin về việc 4 bệ phóng tên lửa trong THAAD được đưa vào Hàn Quốc khi chưa được phép. Đây là 4 bệ phóng được đưa thêm vào sau khi 2 bệ phóng trước đó đã được phép triển khai tại Hàn Quốc trước thời điểm ông Moon Jae-in nhậm chức. Lầu Năm Góc sau đó khẳng định Mỹ "rất công khai, minh bạch" với Chính phủ Hàn Quốc trong tất cả các hoạt động trong suốt quá trình triển khai THAAD.
Kế hoạch triển khai THAAD đã được nhất trí trong thời chính phủ tiền nhiệm của cựu Tổng thống Park Geun-hye. Tuy nhiên, việc triển khai hệ thống này không chỉ gây tranh cãi bên trong Hàn Quốc mà còn vấp phải sự phản đối của Trung Quốc, Nga và Triều Tiên. Trong thời gian tranh cử tổng thống, ông Moon Jae-in từng kêu gọi hoãn kế hoạch bố trí THAAD vì cho rằng chính quyền tiền nhiệm chưa tham vấn người dân về vấn đề này. Bản thân Mỹ và Hàn Quốc cũng tranh cãi xung quanh vấn đề chia sẻ gánh nặng tài chính khi triển khai THAAD.