Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, đề xuất do Ngoại trưởng Park Jin công bố nhằm giải quyết vấn đề bồi thường cho 15 nguyên đơn Hàn Quốc đã thắng trong vụ kiện hai công ty Nhật Bản bị cáo buộc đã ép họ làm lao động khổ sai trong Chiến tranh Thế giới thứ hai.
Năm 2018, Tòa án Tối cao Hàn Quốc đã ra phán quyết yêu cầu các tập đoàn công nghiệp nặng Nippon Steel và Mitsubishi của Nhật Bản phải bồi thường cho các nạn nhân.
Theo kế hoạch của chính quyền Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol, quỹ công này do Bộ Nội vụ trực tiếp quản lý, sẽ nhận các khoản đóng góp “tự nguyện” từ khu vực tư nhân. Seoul cũng có kế hoạch sử dụng một quỹ được thành lập hồi năm 2014 để bồi thường cho các nguyên đơn khác đã thắng trong các bản án sơ thẩm.
Dự kiến, Chính phủ sẽ tìm kiếm nguồn tài chính của các công ty Hàn Quốc, được hưởng lợi từ một hiệp ước song phương ký năm 1965, trong đó nhà sản xuất thép POSCO (Hàn Quốc) được nhận khoản tài trợ 300 triệu USD từ Nhật Bản.
Cùng ngày, theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, Ngoại trưởng Nhật Bản Yoshimasa Hayashi đã đánh giá cao đề xuất của Hàn Quốc nhằm giải quyết những khúc mắc giữa hai nước trong vấn đề lao động cưỡng bức thời chiến. Ông nêu rõ Chính phủ Nhật Bản sẽ cho phép các công ty nước này đóng góp tiền cho quỹ công do Seoul hậu thuẫn. Bên cạnh đó, Ngoại trưởng Hayashi hy vọng các hoạt động giao lưu chính trị và văn hóa giữa Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ được mở rộng.
Cũng trong ngày 6/3, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cho biết nước này sẽ giữ nguyên lời xin lỗi trước đây đối với Hàn Quốc về các hành động trong quá khứ sau khi nước láng giềng công bố giải pháp cho vấn đề lao động cưỡng bức thời chiến. Phát biểu tại một phiên họp của Quốc hội, ông nhấn mạnh: "Chúng tôi giữ nguyên quan điểm mà các nội các trước đó đã nêu về vấn đề lịch sử và sẽ tiếp tục làm như vậy".
Căng thẳng trong quan hệ Nhật - Hàn gia tăng sau khi Tòa án Hàn Quốc năm 2018 ra phán quyết yêu cầu tập đoàn Nippon Steel và Mitsubishi của Nhật Bản bồi thường cho các nạn nhân Hàn Quốc bị cưỡng bức lao động. Phía Tokyo bác bỏ phán quyết, cho rằng vấn đề này đã được giải quyết tổng thể khi hai nước bình thường hóa quan hệ năm 1965. Tuy nhiên, sau khi Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol lên nắm quyền vào tháng 5 năm ngoái, ông đã bày tỏ mong muốn và có nhiều nỗ lực để cải thiện quan hệ với Nhật Bản.
Mới đây nhất, hôm 1/3, nhà lãnh đạo này khẳng định Nhật Bản là một quốc gia đối tác chia sẻ các giá trị phổ quát và cho biết Seoul đang tìm cách hàn gắn mối quan hệ với nước láng giềng này. Tiếp đó, ngày 5/3, Hàn Quốc và Nhật Bản đã thống nhất thành lập một "Quỹ Thanh niên tương lai" để tài trợ học bổng cho sinh viên như một phần của thỏa thuận giải quyết vấn đề bồi thường cho các công dân Hàn Quốc bị cưỡng bức lao động trong thời chiến.
Truyền thông Hàn Quốc dẫn các nguồn tin từ chính phủ nước này cho biết quỹ trên sẽ do Liên đoàn Công nghiệp Hàn Quốc (FKI) đứng ra thành lập cùng với Liên đoàn Doanh nghiệp Nhật Bản (Keidanren). Đây là một phần trong thỏa thuận giữa hai chính phủ nhằm chấm dứt vấn đề tranh chấp lâu nay về bồi thường cho các công dân Hàn Quốc bị cưỡng bức lao động cho các công ty Nhật Bản trong Chiến tranh Thế giới thứ hai.