Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, phát biểu tại một diễn đàn nhân dịp dự Hội nghị Chủ tịch Quốc hội Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ở Tokyo, Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Moon Hee Sang đánh giá Nhật Bản là một đối tác quan trọng vì hòa bình và ổn định tại khu vực Đông Á, tuy nhiên quan hệ hai nước hiện nay đang rất xấu.
Để tạo ra sự đột phá trong việc giải quyết tình trạng căng thẳng trong quan hệ với Nhật Bản, Chủ tịch Moon Hee Sang cho biết sẽ trình lên Quốc hội nước này đề xuất thành lập quỹ bồi thường cho các nạn nhân bị cưỡng bức lao động tại Hàn Quốc.
Quỹ này sẽ hoạt động dựa trên nguồn kinh phí đóng góp của các doanh nghiệp và cá nhân của cả Nhật Bản và Hàn Quốc. Ngoài ra, khoản tiền 5,2 triệu USD còn lại chưa sử dụng từ Quỹ Hòa giải, xoa dịu nỗi đau cho các "phụ nữ mua vui", quỹ được thành lập năm 2015 với sự đóng góp từ Chính phủ Nhật Bản nhưng nay đã bị ngừng hoạt động, cũng sẽ được đưa vào quỹ mới nói trên. Tuy nhiên, ông Moon Hee Sang không đề cập tới thời điểm trình đề xuất này lên Quốc hội và cũng không rõ liệu chính quyền Seoul có tham gia đóng góp vào quỹ này hay không.
Trước thông tin trên, một quan chức Chính phủ Nhật Bản nhận định đây là một đề xuất vô lý và không thể chấp nhận được. Quan chức này cho biết phần lớn ý kiến trong chính phủ và đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền phản đối đề xuất này. Quan điểm của Tokyo là vấn đề bồi thường đã được giải quyết xong theo thỏa thuận giữa hai chính phủ vào năm 2015 và yêu cầu Seoul tuân thủ cam kết này.
Trong cuộc tiếp xúc nhanh với Tổng thống Moon Jae-in bên lề Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) tại Thái Lan hôm 4/11, Thủ tướng Shinzo Abe đã khẳng định Tokyo không thay đổi lập trường về vấn đề này.
Ngày 5/11, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga tiếp tục khẳng định vấn đề bồi thường cưỡng bức lao động đã được giải quyết xong và những rắc rối liên quan đến việc này chỉ là công việc nội bộ của Hàn Quốc, đồng thời kêu gọi Seoul có cách hành xử đúng đắn xung quanh vấn đề này.
Quan hệ Nhật- Hàn đã xuống mức thấp nhất trong nhiều năm qua, sau khi các tòa án Hàn Quốc cuối năm 2018 phán quyết một số công ty Nhật Bản phải bồi thường cho các nạn nhân bị cưỡng bức lao động trong thời gian Nhật Bản chiếm đóng Bán đảo Triều Tiên.
Căng thẳng leo thang khi Nhật Bản ngày 4/7 siết chặt các quy định xuất khẩu các loại vật liệu công nghệ cao sang Hàn Quốc. Sau đó, Nhật Bản loại Hàn Quốc ra khỏi danh sách các đối tác thương mại đáng tin cậy, với lý do hệ thống kiểm soát xuất khẩu của Seoul đối với các mặt hàng nhạy cảm lỏng lẻo.
Phía Hàn Quốc đã phản đối mạnh các động thái trên của Nhật Bản, cho rằng đó là hành động trả đũa các phán quyết trên của tòa án Hàn Quốc và sau đó đã chính thức loại Nhật Bản ra khỏi danh sách các đối tác thương mại đáng tin cậy của Seoul.
Hàn Quốc cũng đã tuyên bố đơn phương rút khỏi Hiệp định chia sẻ thông tin tình báo quân sự (GSOMIA) với Nhật Bản, đẩy hiệp định quan trọng trong hợp tác về vấn đề Triều Tiên này sẽ chính thức hết hiệu lực vào ngày 22/11 tới đây.