Theo Thủ tướng Hàn Quốc, nước này đảm bảo đủ ngân sách để điều trị cho khoảng 40.000 người và đã ký hợp đồng đặt mua trước 20.000 liệu trình thuốc Molnupiravir. Hiện Hàn Quốc cũng đang tìm mua các loại thuốc kháng virus khác. Chính phủ Hàn Quốc dự kiến chi 36,2 tỷ won (30,31 triệu USD) trong ngân sách để mua thuốc kháng virus điều trị bệnh COVID-19 dạng uống.
Cùng ngày 6/10, Merck & Co thông báo đã ký thỏa thuận với Singapore về việc cung cấp thuốc Molnupiravir, sau Australia. Trong khi đó, Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc) và Malaysia cho biết đang đàm phán để mua loại thuốc này. Merck & Co cho biết hãng này có kế hoạch đặt mức giá phù hợp với mức thu nhập của mỗi quốc gia.
Hiện Chính phủ Mỹ đã đặt mua 1,7 triệu liệu trình với giá 700 USD cho một liệu trình điều trị bệnh COVID-19.
Trong khi đó, tại Đức, Bộ trưởng Y tế Jens Spahn cho biết nước này sẽ thảo luận về việc có cần mua số lượng lớn thuốc Molnupiravir hay không. Phát biểu tại cuộc họp báo, Bộ trưởng Spahn nhấn mạnh Đức luôn đảm bảo việc tiếp cận các liệu pháp điều trị COVID-19 hiệu quả.
Thuốc Molnupiravir do hãng dược phẩm Merck & Co của Mỹ và Công ty Ridgeback của Đức cùng phối hợp nghiên cứu phát triển. Đây là một thuốc kháng virus sử dụng qua đường uống và được phát triển để điều trị cúm. Các quốc gia và vùng lãnh thổ tăng cường đặt mua Molnupiravir sau khi đại diện của Merck & Co ngày 1/10 thông báo kết quả thử nghiệm giai đoạn 3 với 775 bệnh nhân, theo đó, thuốc có tác dụng giảm gần 50% nguy cơ bệnh nhân COVID-19 phải nhập viện và tử vong.
Ngoài ra, thuốc cũng có hiệu quả với các biến thể của virus SARS-CoV-2 như Gamma, Delta và Mu. Hiện Merck & Co và đối tác đang xúc tiến nộp đơn lên Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ để xin cấp phép sử dụng khẩn cấp loại thuốc này, và nhiều khả năng Molnupiravir sẽ là loại thuốc viên kháng virus đầu tiên được dùng để điều trị bệnh nhân COVID-19. Merck đặt mục tiêu tới cuối năm nay sẽ sản xuất được 10 triệu liệu trình thuốc Molnupiravir.