Phát biểu tại một cuộc họp trực tuyến của Nhóm Ottawa (gồm Liên minh châu Âu, Hàn Quốc và 11 nước khác), Bộ trưởng Thương mại Hàn Quốc Yoo Myung-hee nêu rõ: "Để nhanh chóng vượt qua đại dịch COVID-19, điều quan trọng là việc sản xuất và cung cấp vaccine phải được mở rộng trên thế giới". Ông cho biết Hàn Quốc sẽ đóng vai trò lớn hơn trong việc giải quyết tình trạng thiếu hụt nguồn cung vaccine bằng cách trở thành một trung tâm sản xuất toàn cầu. Hàn Quốc đã nhất trí đẩy mạnh hợp tác với Mỹ để tăng cường năng lực ứng phó chung chống các bệnh truyền nhiễm, cũng như củng cố mối quan hệ Đối tác vaccine toàn cầu. Cũng theo Bộ trưởng Yoo Myung-hee, thế giới cần hợp lực để đảm bảo sự ổn định cho việc cung cấp các nguyên liệu bào chế vaccine.
Tại cuộc họp, đại diện các nước thành viên của Nhóm Ottawa cũng chia sẻ quan điểm về ý tưởng từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine ngừa COVID-19.
Hồi tuần trước, Hàn Quốc thông báo kế hoạch trở thành trung tâm sản xuất vaccine toàn cầu đang được đẩy mạnh với việc công ty dược phẩm y sinh của nước này Samsung Biologics đã ký thỏa thuận sản xuất vaccine phòng COVID-19 của Moderna (Mỹ) tại nhà máy của Samsung Biologics ở Hàn Quốc. Theo thỏa thuận, Samsung Biologics sẽ xuất xưởng vacicne của Moderna sớm nhất từ quý III. Thỏa thuận này được kỳ vọng sẽ góp phần vào việc cung cấp nhanh chóng và ổn định vaccine của Moderna ở Hàn Quốc. Hiện Hàn Quốc đang sản xuất vaccine ngừa COVID-19 của hãng dược phẩm AstraZeneca (Anh/Thụy Điển). Nước này cũng sẽ bắt đầu sản xuất thử nghiệm vaccine Sputnik V của Nga vào tháng 8 tới.
Ngoài EU và Hàn Quốc, các thành viên khác của Nhóm Ottawa gồm Australia, Brazil, Chile, Nhật Bản, Kenya, Canada, Mexico, New Zealand, Na Uy, Singapore và Thụy Sĩ.
* Cùng ngày, Cơ quan quản lý nhà tù Maroc (DGAPR) cho biết nước này đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho gần 4.000 tù nhân trong khuôn khổ chiến dịch tiêm chủng cho tù nhân được khởi động từ tháng 3 đến nay.
Theo phóng viên TTXVN tại Bắc Phi, trao đổi với báo giới trong chuyến thăm nhà tù Al Arjat ở gần thủ đô Rabat, quan chức của DGAPR Taoufiq Abtal cho biết mục tiêu của chiến dịch này là tiêm chủng cho khoảng 80% số tù nhân. Theo DGAPR, hiện Maroc có 78 nhà tù với gần 85.000 tù nhân, 45% trong số đó đang bị giam giữ để chờ xét xử, điều này khiến các nhà tù bị quá tải và tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cao.
Tới nay, khoảng 8 triệu người Maroc đã được tiêm mũi vaccine đầu tiên ngừa COVID-19 và gần 5 triệu người đã được tiêm đủ 2 liều. Hiện chiến dịch tiêm phòng trong nhà tù chỉ được áp dụng cho những tù nhân trên 45 tuổi hoặc mắc các bệnh mãn tính.
Tình hình dịch COVID-19 ở Maroc đang có chiều hướng cải thiện, song Maroc vẫn đứng thứ 2 trong top 10 quốc gia châu Phi có số ca mắc cao nhất ở châu Phi với 517.808 ca mắc và 9.131 ca tử vong. Gần đây, Maroc đã nới lỏng các biện pháp hạn chế chống dịch, thời gian giới nghiêm vào ban đêm, trong khi tình trạng y tế khẩn cấp sẽ được kéo dài đến ngày 10/6.