Hai thái cực trong cuộc chiến chống lạm phát tại các quốc gia giàu có

Tờ The Economist của Anh đã chỉ ra lý do tại sao các nước giàu có như Mỹ, Australia, Anh và Canada lại bị tụt phía sau trong cuộc chiến chống lạm phát. 

Chú thích ảnh

Người dân mua sắm tại một siêu thị ở Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Liệu cơn ác mộng lạm phát có sớm kết thúc? Khắp Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) - câu lạc bộ quy tụ phần lớn các quốc gia giàu có, lạm phát giá tiêu dùng đã giảm từ mức đỉnh 10,7% của tháng 10/2022 xuống còn 6,2%. Tăng trưởng tiền lương cũng đang chậm lại. Giới đầu tư hy vọng rằng, chẳng bao lâu nữa, các nước này sẽ có nhiều tiến bộ hơn, cho phép ngân hàng trung ương cắt giảm lãi suất.

Dù vậy, bước tiến đó có thể chỉ đủ để họ vượt lên chính mình. Năm ngoái, The Economist đã tính toán về tình trạng “lạm phát cố hữu”. Nó cho thấy “căn bệnh” này, có triệu chứng xuất hiện đầu tiên ở Mỹ, đang bắt đầu lây lan sang toàn bộ thế giới phát triển. Các nhà phân tích đã tập trung vào năm thước đo: lạm phát lõi, chi phí lao động, độ phân tán lạm phát, lạm phát dự kiến cùng với hành vi tìm kiếm trên Google. Sau đó, họ xếp hạng 10 quốc gia OECD (gồm Australia, Anh, Đức, Canada, Mỹ, Pháp, Italy, Tây Ban Nha, Hàn Quốc, Nhật Bản) theo từng chỉ số và kết hợp các thứ hạng này để tạo thành điểm “lạm phát cố hữu”.

Nhìn chung, dữ liệu cho thấy lạm phát sẽ tiếp tục gia tăng, có lẽ còn cao hơn so với năm 2022. Tình hình là tồi tệ nhất tại các quốc gia nói tiếng Anh, trong đó có Australia và Anh. Tuy nhiên vẫn có những điểm sáng trong cuộc chiến chống lạm phát. Italy và Tây Ban Nha đang đi đúng hướng. Còn ở châu Á, cụ thể là Nhật Bản và Hàn Quốc, trận chiến dường như sắp kết thúc. Vậy những nước đang đấu tranh có thể rút ra bài học gì từ những quốc gia sắp chiến thắng lạm phát? 

Ở Australia, quốc gia có thành tích tệ nhất, thị trường lao động đang bùng cháy. Trong năm qua, chi phí lao động - được đo bằng số tiền người sử dụng lao động trả cho người lao động để sản xuất ra một đơn vị sản phẩm - đã tăng mạnh 7,1%, nhanh hơn bất kỳ quốc gia nào khác trong khảo sát. Cũng không có quốc gia nào có độ phân tán lạm phát cao hơn Canada. Tỷ trọng giá tiêu dùng của nền kinh tế này đang tăng hơn 2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Các quốc gia nói tiếng Anh khác cũng gặp phải nhiều vấn đề. Dữ liệu từ các nhà nghiên cứu tại Ngân hàng Dự trữ Liên bang Cleveland, công ty dữ liệu Morning Consult, và chuyên gia Raphael Schoenle tại Đại học Brandeis đã cung cấp thước đo xuyên quốc gia về những gì công chúng kỳ vọng sẽ xảy ra với giá cả. Người Canada nghĩ rằng giá tiêu dùng sẽ tăng 5,7% trong năm tới, mức cao nhất trong nhóm các nước được khảo sát. Người Canada cũng thường xuyên tra cứu các thuật ngữ liên quan đến lạm phát trên Google. Về phần mình, người Anh đang phải chịu mức lạm phát cơ bản (không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng) là 6,1% hàng năm, tức cao nhất trong nhóm 10 nước. Các chỉ số của nước Mỹ không quá tệ, song cũng không tốt đẹp.

Mức độ lạm phát kéo dài này có thể phản ánh thực trạng của biện pháp kích thích tài chính ở các quốc gia nói tiếng Anh trong năm 2020-21, mặc dù lớn hơn khoảng 40% so với các nước giàu khác. Nó đã tập trung hơn vào việc hỗ trợ các hộ gia đình, chẳng hạn như cấp chi phiếu chi tiêu, hơn là các biện pháp để duy trì hoạt động kinh doanh. Điều này có thể đã thúc đẩy nhu cầu mua sắm hơn nữa. Thật vậy, một phân tích mới của hai chuyên gia Robert Barro tại Đại học Harvard và Francesco Bianchi tại Đại học Johns Hopkins đã chỉ ra được bằng chứng về mối liên hệ giữa việc mở rộng tài chính trong đại dịch COVID-19 và lạm phát sau đó.

Chính sách tiền tệ là một yếu tố khác. Khi dịch bệnh bùng phát, các ngân hàng trung ương ở Mỹ, Australia, Anh và Canada đã giảm lãi suất trung bình 1 điểm phần trăm - mức cắt giảm lớn gấp đôi so với các nước khác trong thế giới giàu có. Động thái kích thích bổ sung đó có thể đã đẩy lạm phát lên cao.

Trong khoảng một năm qua, các quốc gia nói tiếng Anh cũng đã tiếp nhận rất nhiều người di cư. Yếu tố này trong ngắn hạn có thể gây ra lạm phát vì những người mới đến sẽ gây cạnh tranh về nhu cầu nhà ở và đẩy giá thuê nhà lên cao. Ước tính của ngân hàng Goldman Sachs cho thấy tỷ lệ nhập cư hàng năm hiện tại của Australia là 500.000 người đang làm tăng lạm phát lên khoảng nửa điểm phần trăm.

Vậy tại sao các nước OECD khác lại làm tốt hơn? Làn sóng lạm phát cao ở châu Á  được dự báo sẽ sớm kết thúc. Người Nhật dự kiến giá cả sẽ chỉ tăng 1,5% trong năm tới. Người Hàn Quốc thậm chí còn không bận tâm tìm kiếm thông tin về lạm phát. Và lịch sử gần đây có thể đóng một vai trò trong việc giải thích tình trạng trên.

Trước đại dịch, các nước châu Á giàu có đã trải qua lạm phát thấp trong một thời gian dài đến mức họ đã quen với nó. Sau đợt lạm phát tăng vọt vào năm 2021-22, hành vi của các doanh nghiệp và hộ gia đình có thể đã chuyển sang hướng chống lạm phát nhanh hơn. Ngược lại, ở những nơi như Anh, nơi đã trải qua đợt lạm phát gia tăng vào năm 2008, 2011 và 2017, mọi người có thể đã phát triển tư duy lạm phát hơn.

Ở châu Âu, kỳ vọng lạm phát đã giảm rất nhiều so với mức đỉnh điểm. Bức tranh đặc biệt tươi sáng ở nhiều nơi trên lục địa. Nhờ sự kết hợp giữa đường lối chính sách và yếu tố may mắn, năm ngoái giá năng lượng không tăng mạnh ở Italy và Tây Ban Nha như các nước khác. Điều đó có thể khiến người dân không lường trước được lạm phát tiếp theo.

Pháp, với nền kinh tế phát triển hơn, xếp ở khoảng giữa các nước nói tiếng Anh và châu Á. Đức là một câu chuyện khác. Ngày xưa, người lao động Đức nổi tiếng về việc bị hạn chế tiền lương. Hiện nay, với thị trường việc làm cực kỳ thắt chặt, chi phí lao động trên mỗi đơn vị đang tăng hơn 7% mỗi năm. Độ phân tán giá cả cũng cao bất thường. Các nhà kinh tế Đức đang phải nhìn các nước Nam Âu với ánh mắt ghen tị. 

Hoàng Trang/Báo Tin tức
Hơn 50% số bệnh viện tại Dải Gaza dừng hoạt động
Hơn 50% số bệnh viện tại Dải Gaza dừng hoạt động

Tính đến ngày 12/11, hai bệnh viện lớn nhất và nhì tại Dải Gaza là Al Shifa và Al-Quds đã tê liệt hoàn toàn vì cạn kiệt nhiên liệu, trong khi hơn một nửa số bệnh viện tại dải đất này buộc phải dừng hoạt động kể từ khi xung đột giữa phong trào Hồi giáo Hamas và Israel bùng phát đầu tháng 10.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN