Tờ Daily News Hungary ngày 12/11 dẫn lời người phát ngôn đảng cầm quyền Fidesz của Hungary Istvan Hollik, cho biết chính phủ nước này phản đối đề xuất của Ủy ban châu Âu (EC) về việc bắt đầu các cuộc đàm phán gia nhập với Ukraine.
Ông Hollik nêu rõ: “Việc mở các cuộc đàm phán gia nhập với Ukraine, quốc gia đang có xung đột sẽ không thể chấp nhận được vì điều đó sẽ gây ra rủi ro an ninh cho toàn bộ châu Âu. Ngoài ra, việc Ukraine gia nhập sẽ tạo ra gánh nặng tài chính khổng lồ cho EU".
Theo ông Hollik, các đảng cầm quyền ở Hungary vẫn ủng hộ nên tiếp tục cung cấp viện trợ nhân đạo cho Ukraine, nhưng phản đối việc bắt đầu các cuộc đàm phán gia nhập. Ông Hollik chỉ trích phe đối lập cánh tả ủng hộ nỗ lực gia nhập của Ukraine, lưu ý rằng họ “đang thúc đẩy quan điểm của Brussels".
"Đừng để Brussels đưa ra quyết định thay chúng ta về những vấn đề hết sức quan trọng”, ông Hollik tuyên bố, nhấn mạnh rằng vấn đề này sẽ dẫn đến “các cuộc tranh luận chính trị nghiêm túc và người dân Hungary sẽ đưa ra quyết định thông qua cuộc khảo sát Tham vấn Quốc gia".
Trước đó tờ Politico (Mỹ) dẫn lời Thủ tướng Hungary Viktor Orbán nói rằng Ukraine chưa sẵn sàng cho các cuộc đàm phán về tư cách thành viên với EU, bất chấp quyết định “bật đèn xanh” của Ủy ban châu Âu (EC) vào tuần trước.
Trong khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ca ngợi quyết định của EC về khuyến nghị các nước thành viên EU mở đàm phán gia nhập với Ukraine thì Thủ tướng Orbán nói với đài phát thanh nhà nước Hungary rằng: “Ukraine không hề chuẩn bị để đàm phán”.
“Ukraine cách xa tư cách thành viên EU cũng như Makó cách Jerusalem”, Thủ tướng Orbán nói, ám chỉ về khoảng cách giữa thị trấn nhỏ (Makó) gần biên giới Romania với Jerusalem, truyền thông Hungary đưa tin.
Ông Orbán cũng nhấn mạnh rằng các cuộc đàm phán về tư cách thành viên của Ukraine không thể liên quan đến các quỹ EU bị đóng băng của Hungary. “Tôi muốn nói rõ rằng việc mở các cuộc đàm phán ở Ukraine không phải là vấn đề kinh doanh”, nhà lãnh đạo Hungary nói, lưu ý thêm rằng Brussels phải trả cho Hungary “những gì họ nợ”.
Trong khi Hungary đồng ý với các biện pháp trừng phạt của EU đối với Nga vì cuộc xung đột ở Ukraine, Budapest đã nhiều lần bất đồng với Ukraine, phản đối nỗ lực của EU nhằm thành lập một quỹ dài hạn lên tới 20 tỷ euro hỗ trợ cho quân đội Ukraine và chỉ trích cách đối xử của Kiev với người dân tộc thiểu số Hungary ở Ukraine. Thủ tướng Orbán cũng đã có cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin vào tháng trước, điều này đã gây ra làn sóng phản ứng ở châu Âu.
Khuyến nghị của EC trong tuần trước nhằm đưa Kiev tiến một bước gần hơn đến tư cách thành viên EU, nhưng Ukraine, nơi vẫn đang có xung đột với Nga, vẫn còn những trở ngại cần vượt qua.
Mặc dù báo cáo mở rộng của EC thừa nhận rằng Ukraine đã đạt được tiến bộ lớn về cải cách trong nước bất chấp cuộc xung đột đang diễn ra với Nga, nhưng nước này vẫn cần cải thiện thành tích chống tham nhũng; ban hành luật điều chỉnh hoạt động vận động hành lang trong kế hoạch hành động chống lại giới tài phiệt đầu sỏ; và cải thiện việc bảo vệ ngôn ngữ của các dân tộc thiểu số.
Đại sứ EU tại Ukraine Katarína Mathernová cho biết Ukraine nên cảm thấy thoải mái với việc đưa ra nhiều nhượng bộ hơn nữa trên con đường gia nhập EU. Bà nói: “Quá trình mở rộng là rất khắt khe và phần lớn điều đó thật khó chịu. Ukraine sẽ được hỏi những điều mà đôi khi sẽ không có ý nghĩa gì. Tất cả chúng tôi đều đã trải qua điều đó vì cái giá phải trả là xứng đáng”.
Tuy nhiên, bước tiếp theo cần phải chờ đợi là các nhà lãnh đạo EU có ủng hộ kế hoạch của EC tại hội nghị thượng đỉnh ở Brussels vào tháng 12 tới hay không.