Theo phóng viên TTXVN tại Geneva, trước những nỗ lực của đặc phái viên Liên hợp quốc và Liên đoàn Arập về vấn đề Syria, ông Lakhdar Brahimi, hội nghị Geneva II được cứu vãn và hai phái đoàn chính phủ và phe đối lập Syria đã trở lại tham gia vòng đàm phán trực tiếp vào ngày 25/1. Ngoại trưởng đồng thời là người đứng đầu phái đoàn đàm phán của chính phủ Syria Walid Muallem (giữa) tới trụ sở LHQ ở Geneva ngày 24/1. Ảnh: AFP-TTXVN |
Trong buổi họp chiều 25/1, hai bên chủ yếu bàn về vấn đề nhân đạo tại thành phố Homs và nếu một thỏa thuận có thể đạt được vào ngày 26/1 thì một đoàn xe cứu trợ nhân đạo có thể đến ngay thành phố cổ đang nằm dưới quyền kiểm soát của phe đối lập này vào ngày hôm sau.
Ông Brahimi đã thuyết phục hai bên tập trung vào những vấn đề nhỏ hơn, gạt sang một bên những điểm gây tranh cãi chính với hy vọng có thể nhận được sự đồng thuận của cả hai bên.
Trong cuộc họp báo tối cùng ngày tại văn phòng thông tin LHQ ở Geneva, ông Brahimi cho biết sau hai lần gặp nhau trong ngày họp đầu tiên giữa đại diện của chính phủ Syria và phe đối lập tuy chưa có được kết quả đáng kể, nhưng đây là lần đối mặt đầu tiên trong ba năm qua giữa hai bên đối nghịch nhau.
Phát biểu với các phóng viên, ông Louay Safi, đại diện phe đối lập, cho rằng cuộc thảo luận ngày 25/1 là cần thiết để cứu những người đang chết vì suy dinh dưỡng trong thành phố Homs bị chính phủ vây chặt. Ông gọi những cuộc họp này là “những cuộc thảo luận chuẩn bị để tiến đến thương thuyết” mà ông hy vọng sẽ bắt đầu vào ngày 27 tới.
Ông Brahimi cho biết các vấn đề cốt lõi sẽ không bàn thảo trong những ngày họp đầu tiên. Cuộc họp sáng 26/1 sẽ bàn về vấn đề trao đổi tù binh. Tình hình nhìn chung vẫn rất phức tạp và khó khăn. Trong cuộc họp đầu tiên của phái đoàn chính phủ và phe đối lập với sự trung gian của ông Brahimi, họ bước vào phòng họp qua các cửa khác nhau, và ngồi về hai phía của chiếc bàn đàm phán, không nói chuyện với nhau và cũng không bắt tay.
Theo ông Brahimi, việc thảo luận về các vấn đề nhân đạo được coi là điểm khởi đầu để mở đường cho các cuộc đàm phán "khó khăn hơn". Ông cho biêt: "Chúng tôi đang nhích từng nửa bước một" với "tham vọng có thể kết thúc chiến tranh, khôi phục hòa bình và an ninh".
Cuộc xung đột Syria bắt đầu hồi tháng 3/2011 khiến hàng trăm nghìn người tử vong và làm cho gần 9 triệu người phải bỏ nhà cửa đi lánh nạn.
TTXVN/Tin tức