Nhà sản xuất xe tăng Đức Krauss-Maffei Wegmann (KMW) đã đệ đơn kiện công ty quốc phòng Rheinmetall để tìm cách ngăn cản công ty đối thủ này đưa ra những tuyên bố “gây hiểu lầm” về xe tăng Leopard.
Theo thông tin trên tờ Neue Zürcher Zeitung (NZZ) vào ngày 24/4, vụ kiện diễn ra sau cuộc phỏng vấn gần đây của Giám đốc điều hành Rheinmetall, Armin Papperger với NZZ, trong đó vị CEO tuyên bố rằng công ty của ông kiểm soát bản quyền đối với một số mẫu Leopard 2 cũ và có khoảng 1.000 chiếc xe tăng như vậy trong kho.
KMW đã bác bỏ tuyên bố của ông Papperger, cho rằng điều đó “không đúng sự thật, gây hiểu lầm và vi phạm các quyền của họ”, một phát ngôn viên của tòa án quận ở Munich nói với tờ NZZ, đồng thời cho biết thêm rằng công ty KMW đã yêu cầu tòa án hạn chế Rheinmetall đưa ra những tuyên bố tương tự trong tương lai.
Leopard 2 là xe tăng chiến đấu chủ lực (MBT) được thiết kế và sản xuất lần đầu tiên bởi KMW, công ty có trụ sở tại Munich, vào cuối những năm 1970. Công ty này chế tạo khung gầm, trong khi Rheinmetall sản xuất pháo cho xe tăng.
Phiên tòa xét xử vụ kiện sẽ diễn ra vào ngày 2/5 tại Tòa án Vùng Munich.
Xe tăng Leopard 2 là một trong các loại xe tăng tiên tiến mà phương Tây cung cấp cho Kiev. Quân đội Ukraine được cho là đã nhận 18 chiếc xe tăng như vậy từ Đức vào tháng 3, và trước đó đã nhận 14 chiếc Leopard 2 từ Ba Lan. Hồi tháng 1, sau nhiều tháng do dự, chính phủ Đức thông báo rằng họ sẽ gửi xe thiết giáp tới Ukraine, và sẽ ủy quyền cho các nước châu Âu khác quyên góp các phương tiện dự trữ của họ.
Đức đã cung cấp viện trợ quân sự trị giá hơn 2 tỷ euro cho Ukraine vào năm 2022, bao gồm vũ khí phòng không, bệ phóng nhiều tên lửa, hệ thống phòng không IRIS-T và pháo tự hành. Tháng trước, Berlin thông báo sẽ gửi thêm 12 tỷ euro (13 tỷ USD) hỗ trợ quân sự cho Ukraine.
Leopard 2 là xe tăng chiến đấu chủ lực thế hệ thứ 3 do KMW phát triển vào những năm 1970 cho quân đội Tây Đức. Đến năm 1993, quân đội Đức đã biên chế tổng cộng 2.155 chiếc tăng chủ lực loại này. Leopard 2 cũng được xuất khẩu tới 16 quốc gia, với hơn 1.000 chiếc đã giao đến tay các khách hàng.
Biến thể Leopard 2A4 nặng 55 tấn được trang bị giáp composite, bao gồm thép có độ cứng cao, vonfram và các vật liệu phi kim loại. Nó cung cấp khả năng bảo vệ tốt trước các loại đạn xuyên giáp và vũ khí chống tăng có điều khiển.
Sức mạnh của Leopard 2A4 nằm ở khẩu pháo nòng trơn 120 mm do Rheinmetall sản xuất, với khả năng chống rung đáng kinh ngạc. Với dự trữ 42 viên đạn và tầm bắn lên đến 4 km, Leopard 2A4 là cỗ máy chiến tranh cực kỳ uy lực. Đáng chú ý, đạn của Leopard 2A4 được cất giữ ở một ngăn riêng biệt trong tháp pháo với các tấm xả khí, giúp tăng khả năng sống sót của kíp lái nếu lỡ xe trúng đạn. Điều này hoàn toàn khác với các mẫu chiến xa của khối Warsaw vốn thiết kế kho đạn mở, nằm ngay gần xạ thủ.
Vũ khí phụ của Leopard 2 bao gồm hai súng máy 7,62 mm cho nhiệm vụ phòng không và chống bộ binh. Leopard 2A4 có tổ lái 4 người, bao gồm chỉ huy, xạ thủ, người nạp đạn và lái xe. Một đặc điểm thú vị là chiếc xe tăng chiến đấu chủ lực này có một cửa thoát hiểm ở sàn phía sau người lái. Cũng giống như việc bố trí kho đạn, cửa thoát hiểm này cho thấy nhà sản xuất đặc biệt ưu tiên đến khả năng sống sót của kíp lái.
Xe tăng chủ lực của Đức được trang bị động cơ diesel tăng áp kép V12 do MTU sản xuất, có sức mạnh lên đến 1500 mã lực. Những chiếc tăng chiến đấu chủ lực của Nga, như T90S, cũng chỉ được trang bị loại động cơ mạnh nhất lên đến 1130 mã lực. Nhờ động cơ đó, Leopard 2 có thể đạt tới tốc độ tối đa 72 km/h và leo qua dễ dàng những con dốc lên đến 30 độ.
Tuy nhiên, tại Ukraine, xe tăng Leopard 2 sẽ phải đối phó với nhiều loại vũ khí chống tăng nguy hiểm của Nga, cũng như nguy cơ đến từ vũ khí chính xác cao tấn công từ trên không trước khi có cơ hội đối mặt trực tiếp với các dòng MBT chủ lực của Nga như T-72B3, T-80BVM hay T-90M.