Tác giả của dự luật trên cho rằng tin tức giả mạo được lan truyền trên mạng Internet có thể "dẫn tới bạo động hàng loạt" và hủy hoại an ninh quốc gia, vì vậy các biện pháp này là cần thiết nhằm bảo vệ đất nước, đặc biệt sau khi Mỹ thông qua cái mà Moskva mô tả là các chính sách an ninh mạng "gây hấn" mới.
Trước đó, ngày 6/3, dự luật trên đã được Hạ viện Nga thông qua tại lần tranh luận thứ 2, theo đó dự luật cũng cho phép cơ quan công tố quyết định đâu là "tin giả", và trao quyền cho cơ quan giám sát truyền thông yêu cầu phương tiện truyền thông đó xóa bỏ thông tin này. Trang mạng nào không tuân thủ sẽ bị chặn. Mức phạt có thể lên tới 1,5 triệu ruble (khoảng 22.700 USD) nếu hành vi vi phạm dẫn tới hậu quả nghiêm trọng như chết người hoặc bạo động.
Các nghị sĩ Nga đã bắt đầu nhấn mạnh về sự cần thiết của một đạo luật như vậy sau một vụ nổ trước ngày đón Năm mới, làm hàng chục người thiệt mạng ở thành phố công nghiệp Magnitogorsk. Có nhiều thông tin khác nhau về sự việc. Trong khi giới chức Nga nói rằng đây là một vụ nổ khí gas, giới truyền thông độc lập lại cho rằng đây có thể là một vụ tấn công khủng bố. Hai tuần sau khi xảy ra vụ việc, tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng đã thừa nhận thực hiện vụ tấn công, khiến dư luận càng nhầm lẫn.
Dự luật chống tin giả nói trên vẫn phải chờ sự thông qua của Thượng viện trước khi được Tổng thống V. Putin ký thành luật.
Cũng liên quan đến vấn đề an ninh mạng, Giám đốc cơ quan quản lý thông tin Nga Alexander Zharov ngày 16/4 cho biết các trang mạng Twitter và Facebook có thời hạn 9 tháng để chuyển dữ liệu người dùng Nga vào các máy chủ đặt tại Nga theo luật mới về quản lý dữ liệu. Nếu không thực hiện yêu cầu này, Nga sẽ chặn hai trang mạng trên.