Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, dự luật sửa đổi luật đặc biệt về phòng, chống dịch cúm năm 2013 sẽ cho phép Thủ tướng Nhật Bản ban bố tình trạng khẩn cấp nếu virus SARS-CoV-2 lây lan với tốc độ nhanh và tác động nghiêm trọng tới cuộc sống của người dân và nền kinh tế.
Một khi tình trạng khẩn cấp được ban bố, thống đốc các tỉnh, thành ở Nhật Bản có thể chỉ thị cho người dân địa phương phải ở trong nhà và yêu cầu đóng cửa các trường học cũng như hủy bỏ các sự kiện lớn. Bên cạnh đó, chính quyền các địa phương cũng có thể yêu cầu các nhà sản xuất nhu yếu phẩm thiết yếu như dược phẩm và lương thực bán hàng hóa cho người dân. Ngoài ra, chính quyền có thể tạm thời sung công đất đai và các cơ sở của tư nhân để xây dựng cơ sở y tế chữa trị cho các bệnh nhân.
Dự luật này sẽ có hiệu lực trong vòng 2 năm và dự kiến sẽ được Thượng viện thông qua trong phiên họp toàn thể vào ngày 13/3.
Trước đó, Thủ tướng Shinzo Abe chỉ kêu gọi đóng cửa tạm thời tất cả các trường học và hủy, hoãn hoặc thu hẹp quy mô của các sự kiện lớn có đông người tham gia, nhưng ông không có đủ cơ sở pháp lý cần thiết để yêu cầu các trường học, cơ sở công và các đơn vị tổ chức sự kiện bắt buộc phải thực hiện yêu cầu đó. Chính vì vậy, từ nhiều ngày nay, Thủ tướng Abe đã nỗ lực thuyết phục các đảng đối lập hợp tác để nhanh chóng thông qua dự luật trên tại Quốc hội.
Trước đó, các đảng đối lập chính đều khẳng định việc sửa đổi luật đặc biệt về phòng chống cúm năm 2013 là không cần thiết bởi dịch COVID-19 nằm trong danh sách các bệnh truyền nhiễm mới của luật này. Tuy nhiên, cuối cùng, họ cũng nhất trí hợp tác để thông qua dự luật trên.
Đầu tuần này, Thủ tướng Abe cam kết sẽ cân nhắc kỹ lưỡng việc ban bố tình trạng khẩn cấp, có tính tới các tác động về mặt xã hội khi đưa ra quyết định về vấn đề này.
Tính đến chiều 12/3, Nhật Bản đã có 23 ca tử vong vì dịch COVID-19 và 1.337 trường hợp mắc bệnh, trong đó có 696 người trên du thuyền Diamond Princess.
Điều đáng lo ngại là dịch COVID-19 đã bắt đầu lây lan ở nhiều nhà dưỡng lão ở Nhật Bản, khiến một số cơ sở phải ngừng hoạt động.
Tính tới ngày 12/3, Nhật Bản đã phát hiện các ổ dịch COVID-19 tại các nhà dưỡng lão ở 3 tỉnh Aichi, Hyogo và Chiba, trong đó, chỉ riêng tại một nhà dưỡng lão ở thành phố Nagoya, thủ phủ của tỉnh Aichi, đã phát hiện trên 40 người nhiễm bệnh kể từ đầu tháng 3 tới nay, bao gồm cả nhân viên, khách hàng...