Với 214 phiếu thuận và 207 phiếu chống, Hạ viện Mỹ do đảng Dân chủ kiểm soát đã nhất trí với gói cứu trợ trên bất chấp sự phản đối của các quan chức Nhà Trắng. Trước đó, Hạ viện đã hoãn kế hoạch bỏ phiếu về gói cứu trợ này nhằm cho phép có thêm thời gian để đạt được một thỏa thuận lưỡng đảng.
Gói cứu trợ 2.200 tỷ của đảng Dân chủ gồm điều khoản trợ cấp thất nghiệp 600 USD/tuần cho người lao động đến hết tháng 1/2021, hỗ trợ 1.200 USD cho hầu hết người dân Mỹ, 25 tỷ USD cho các hãng hàng không, 436 tỷ USD cho các chính quyền địa phương.
Các hoạt động phòng chống dịch, giáo dục, chăm sóc trẻ, mua nhà trả góp cũng được hỗ trợ. Đảng Cộng hòa cho rằng kế hoạch chi tiêu trên của đảng Dân chủ là "quá tốn kém" dù các nghị sĩ Dân chủ đã có sự nhượng bộ, giảm 1.000 tỷ USD so với đề xuất ban đầu. Trong khi đó, đảng Cộng hòa vẫn kiên quyết với gói cứu trợ trị giá 1.600 tỷ USD, bao gồm 250 tỷ USD hỗ trợ cho chính quyền các bang và 150 tỷ USD cho hoạt động giáo dục.
Dù được Hạ viện thông qua, song chắc chắn gói đề xuất này sẽ không thể qua được "ải" Thượng viện Mỹ, nơi đảng Cộng hòa chiếm ưu thế. Động thái trên diễn ra trong bối cảnh Chủ tịch Hạ viện với Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin không đạt tiến triển về nhiều điều khoản chủ chốt.
Trả lời phóng viên sau cuộc điện đàm kéo dài 50 phút, bà Pelosi cho biết không có giải pháp nào cho cuộc thảo luận giữa bà và ông Mnuchin và nêu rõ không thể nhất trí điều gì khi cho đến khi tất cả điều khoản được thông qua. Hiện đảng Dân chủ và Cộng hòa đang bất đồng về khoản cứu trợ cho chính quyền địa phương, các điều khoản về chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, bảo vệ an toàn cho người lao động và chăm sóc trẻ em.
Các nhà lập pháp Mỹ và giới phân tích thị trường chứng khoán nhận định các cuộc đàm phán giữa hai đảng được xem là nỗ lực phút chót nhằm đạt được gói cứu trợ COVID-19 trước thềm cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, qua đó giảm sự tác động của dịch bệnh đối với nền kinh tế và hỗ trợ cho hàng triệu người dân và các doanh nghiệp Mỹ, trong đó có các hãng hàng không.
Trong bối cảnh kỳ vọng về gói cứu trợ ngày càng mờ nhạt, hàng loạt doanh nghiệp Mỹ, trong đó có các hãng hàng không, thông báo kế hoạch cắt giảm nhân sự. Theo đó, American Airlines sẽ cho nghỉ việc 19.000 nhân viên, trong khi với United Airlines là 13.000 người. Tuy nhiên, hai hãng đều cam kết đảo ngược quyết định này nếu giới chức Mỹ đạt thỏa thuận về gói cứu trợ.
Các hãng hàng không Mỹ đề xuất cứu trợ thêm 25 tỷ USD để duy trì việc trả lương cho nhân viên trong 6 tháng nữa, trong khi gói cứu trợ hiện tại, vốn có hiệu lực từ tháng 3, sẽ hết hạn vào ngày 30/9 (theo giờ địa phương). Trước đó, công ty bảo hiểm Allstate để ngỏ khả năng cắt giảm 3.800 nhân viên, công ty dầu mỏ Marathon cũng có kế hoạch giảm 12% lực lượng lao động, tương đương hơn 2.000 người.
Trong khi đó, thị trường lao động Mỹ vẫn chưa sáng sủa hơn. Thống kê của Bộ Lao động Mỹ công bố cùng ngày cho thấy trong tuần qua, đã có hơn 837.000 người nộp đơn trợ cấp thất nghiệp, giảm 36.000 người so với tuần trước đó, song vẫn cao hơn so với mức của 1 tuần hồi khủng hoảng tài chính 2008-2010. Chuyên gia kinh tế Rubeela Farooqi thuộc công ty High Frequency Economics bày tỏ quan ngại về làn sóng sa thải lao động của các doanh nghiệp hiện nay dù nền kinh tế đã gần như mở cửa trở lại hoàn toàn.