Gửi tình yêu vào đất

Hình ảnh hàng nghìn con cá chết phủ kín nền đất nứt nẻ ở giữa lòng đầm không một giọt nước ở bang Chihuahua miền Bắc Mexico, xuất hiện trên rất nhiều trang tin hồi đầu tháng 6, đã lột tả một cách chân thực tình trạng khô hạn khắc nghiệt tại quốc gia này.

Chú thích ảnh
Cá chết do hạn hán tại đầm phá Bustillos, bang Chihuahua, Mexico ngày 5/6/2024. Ảnh: AFP/TTXVN

Điều đáng nói, không chỉ ở Mexico mà ở nhiều nơi trên thế giới, hạn hán xảy ra ngày càng thường xuyên hơn và khắc nghiệt hơn. Ngay tại Việt Nam, hình ảnh khoảng 100 tấn cá chết nổi trên góc hồ Sông Mây (Đồng Nai) cạn trơ đáy cũng từng gây ám ảnh vào cuối tháng 4 vừa qua hay những ruộng thanh long ở Bình Thuận, những vườn cà phê ở Tây Nguyên, vườn cây ăn trái ở Bình Phước chết héo vì thiếu nước, khô hạn cũng là những hình ảnh “nóng” cả nghĩa đen và nghĩa bóng trên các trang báo. Đó là một bối cảnh không ai mong muốn: tương lai đất đai đang bị đe dọa, tình trạng sa mạc hóa, suy thoái đất và hạn hán hiện là một trong những thách thức môi trường cấp bách nhất của thời đại.

Đất là nơi nảy mầm sự sống, không chỉ cung cấp gần 95% lương thực cho thế giới mà còn là nơi xây dựng chỗ ở, cung cấp việc làm, sinh kế và gần như mọi nhu cầu cơ bản cho con người, nhưng hiện nay có tới 40% tổng diện tích đất trên toàn thế giới bị suy thoái, mỗi giây lại có diện tích đất tương đương với 4 sân bóng đá bị thoái hóa, tổng cộng lên tới 100 triệu ha mỗi năm. Dân số ngày càng tăng, cùng với mô hình sản xuất và tiêu dùng không bền vững, thúc đẩy nhu cầu về tài nguyên thiên nhiên, gây áp lực quá mức đối với đất đai. Trong khi đó, sa mạc hóa và hạn hán làm trầm trọng thêm suy thoái đất đai, và thực trạng này đang gây hậu quả nghiêm trọng ở khắp các châu lục

Hạn hán là tình trạng suy thoái đất trong các khu vực khô hạn, bán khô hạn và vùng ẩm nửa khô hạn. Hạn hán và sa mạc hóa khiến đất bị xâm nhập mặn, suy giảm chất lượng nước và phù sa của các sông, hồ. Theo báo cáo của Liên hợp quốc, tần suất và thời gian hạn hán đã tăng 29% kể từ năm 2000, nếu không có hành động khẩn cấp, hạn hán có thể ảnh hưởng đến hơn 3/4 dân số thế giới vào năm 2050.

Một đợt khô hạn kéo dài ở miền Nam châu Phi đầu năm nay khiến mùa màng thất bát và đe dọa an ninh lương thực của hàng triệu người. Năng suất giảm sút và tình trạng thiếu nước dẫn đến việc Zambia, Malawi và Zimbabwe tuyên bố thảm họa quốc gia.

Đến cuối tháng 5, các vùng miền Nam châu Âu cũng phải đối mặt với tình trạng hạn hán khắc nghiệt. Đông Âu đang trải qua tình trạng hạn hán ngày càng tồi tệ, trong khi hạn hán ở Scandinavia cũng thay đổi theo hướng tiêu cực và thiếu hụt lượng mưa đáng kể gần đây. Chỉ số Hạn hán tổng hợp (CDI) vào cuối tháng 5 vừa qua cho thấy tình trạng hạn hán cảnh báo ở miền Đông Tây Ban Nha, hầu hết miền Nam và miền Trung - Đông Italy, Malta, hầu hết Romania, Ba Lan, các vùng Baltic, hầu hết Hy Lạp, phía Bắc khu vực Balkan, miền Tây Cyprus, các đảo ở Địa Trung Hải và hầu hết Thổ Nhĩ Kỳ.

Ở châu Mỹ, khoảng 150 triệu người ở khu vực Mỹ Latinh đang sống ở những vùng khan hiếm nước, hạn hán cũng rất thường xuyên xảy ra. Một ví dụ điển hình là kênh đào Panama, huyết mạch thương mại toàn cầu quan trọng, đã bị đe dọa nghiêm trọng khi hạn hán khắc nghiệt khiến mực nước giảm mạnh, làm gián đoạn giao thông đường thủy và doanh thu của nền kinh tế đất nước.

Tại châu Á, người dân xếp hàng dài ở Ấn Độ để chờ được cấp phát nước trong bối cảnh nắng nóng và mưa ít khiến nguồn cung nước khan hiếm. Khu vực Đông Nam Á đã trải qua tháng 4 và 5 nắng nóng và khô hạn nặng dù mới chỉ bước vào đầu mùa hè. Các chuyên gia cảnh báo các đợt hạn hán, nắng nóng kéo dài có thể làm giảm nguồn cung lương thực của Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Việt Nam...

Tại Việt Nam, tình hình hạn hán, mặn xâm nhập tiếp tục diễn biến phức tạp; dòng chảy trên các sông, hồ chứa khu vực Bắc Bộ phổ biến thiếu hụt so với trung bình nhiều năm từ 30 - 60%; trên các sông ở Trung Bộ, Tây Nguyên phổ biến thiếu hụt từ 25 - 50%. Hạn hán, xâm nhập mặn đã là vấn đề nóng và cấp thiết tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long vài năm nay, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp, đời sống dân sinh và môi trường. Việt Nam hiện có trên 11,8 triệu ha đất, chiếm hơn 1/3 tổng diện tích đất tự nhiên chịu tác động của thoái hóa, hoang hóa nguy cơ dẫn tới sa mạc hóa. Trước thực trạng này, tháng 1 vừa qua, Quốc hội đã thông qua Luật Đất đai sửa đổi 2024, trong đó bổ sung các nội dung liên quan tới bảo vệ, cải tạo, phục hồi đất đai.

Chủ đề của Ngày Thế giới chống Sa mạc hóa và Hạn hán 17/6 năm nay là “Đoàn kết vì đất đai. Di sản của chúng ta - Tương lai của chúng ta” qua đó nêu bật nhu cầu cấp thiết trong việc bảo vệ và khôi phục tài nguyên đất đai của để đảm bảo sự phát triển bền vững và tăng cường khả năng phục hồi của các cộng đồng dễ bị tổn thương, đầu tư cho các biện pháp quản lý đất đai tương lai nhằm đảm bảo sự ổn định và thịnh vượng của hàng tỷ người trên thế giới. Mục tiêu là ngăn chặn sự gia tăng về tốc độ suy thoái tài nguyên đất, hạn chế tình trạng hạn hán, sa mạc hóa, khai thác, sử dụng bền vững, hiệu quả tài nguyên đất.

LHQ đã phát đi thông điệp rằng “Chúng ta không thể quay ngược thời gian, nhưng chúng ta có thể trồng rừng, hồi sinh nguồn nước và phục hồi đất đai”, bởi phục hồi và sử dụng đất đai bền vững là nền tảng để phát triển bền vững và là điều kiện tiên quyết để đưa hàng tỷ người trên Trái Đất thoát khỏi đói nghèo, đảm bảo an ninh lương thực và dinh dưỡng, bảo vệ được các nguồn cung cấp nước. Nhấn mạnh tới vấn đề phục hồi và quản lý đất đai bền vững, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres kêu gọi “cùng nhau, hãy gieo hạt giống cho một tương lai thịnh vượng - cho thiên nhiên và nhân loại”.

Lê Ánh (TTXVN)
Bồi đắp tình yêu Tổ quốc cho thế hệ trẻ qua 'Tiết học biên cương'
Bồi đắp tình yêu Tổ quốc cho thế hệ trẻ qua 'Tiết học biên cương'

Từ năm 2023, các Đồn Biên phòng, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Lạng Sơn đã phối hợp với các trường học trong tỉnh tổ chức hiệu quả chương trình “Tiết học biên cương”, qua đó góp phần bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước cho thế hệ trẻ…

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN