Gruzia phơi bày sự lạc hậu trong chính sách Âu-Á của Mỹ

Một cuộc khủng hoảng Hiến pháp đang nhen nhóm ở Gruzia (Georgia), quốc gia từng được coi là "con cưng" dân chủ của Mỹ ở khu vực Nam Kavkaz.

Chú thích ảnh
(Tư liệu) Tổng thống Gruzia Salome Zourabichvili tại điểm bỏ phiếu tổng tuyển cử ở Tbilisi, ngày 26/10/2024. Ảnh: REUTERS/TTXVN

Cuộc khủng hoảng này không chỉ là vấn đề nội bộ mà còn phơi bày sự lỗi thời và nguy hiểm trong chính sách của Mỹ đối với lục địa Âu - Á. Trong khi Washington vẫn loay hoay với các liên minh rời rạc, cả Trung Quốc và Nga đều đã âm thầm xây dựng các chiến lược lục địa đầy tham vọng.

Tình hình chính trị ở Gruzia đang hết sức căng thẳng. Tổng thống đắc cử Mikheil Kavelashvili, người có xu hướng thân Nga, sắp nhậm chức vào ngày 29/12, trong khi Tổng thống đương nhiệm Salome Zourabichvili, một người ủng hộ châu Âu, từ chối từ chức vì cáo buộc cuộc bầu cử quốc hội vừa qua là gian lận.

Bà Zourabichvili kêu gọi bầu cử lại, một yêu cầu được Nghị viện châu Âu và nhiều nhà quan sát quốc tế ủng hộ. Tuy nhiên, chính phủ Gruzia, do đảng Giấc Mơ Gruzia kiểm soát, từ chối.

Trước đó, các cuộc biểu tình lớn ở Tbilisi phản đối việc chính phủ trì hoãn gia nhập EU đã bị đàn áp, gây ra làn sóng phẫn nộ trong dư luận. Tất cả những điều này cho thấy sự suy thoái đáng báo động ở Gruzia, một quốc gia từng là hình mẫu cho các nỗ lực dân chủ hóa do Mỹ hậu thuẫn trong khu vực.

Tham vọng của Nga, Trung Quốc và sự mắc kẹt của Mỹ

Điều gì đã xảy ra? Trong những năm 1990, Washington đã coi Gruzia là một "mục tiêu" quan trọng ở Kavkaz. Sau nhiều năm đầu tư tài chính và chính trị, Mỹ và Gruzia đã xây dựng một mối quan hệ đối tác chiến lược.

Các nhà lãnh đạo Gruzia, đặc biệt là Tổng thống Mikheil Saakashvili, một trong những người hùng của Cách mạng hoa hồng, đã tích cực tìm kiếm sự ủng hộ của phương Tây và tự nhận Gruzia là một quốc gia châu Âu.

Chú thích ảnh
Ông Mikheil Kavelashvili sau khi được Quốc hội Gruzia bầu làm Tổng thống mới tại Tbilisi, ngày 14/12/2024. Ảnh: REUTERS/TTXVN

Tuy nhiên, hiện nay Gruzia đang bị chia rẽ sâu sắc bởi sự cạnh tranh địa chính trị giữa Nga và phương Tây. Nếu sự suy thoái dân chủ tiếp diễn ở Gruzia, nó sẽ tác động tiêu cực đến toàn bộ khu vực Nam Kavkaz, đặc biệt là sự củng cố dân chủ ở Armenia cũng đang gặp thách thức. Giá trị chiến lược của cặp đôi dân chủ Gruzia - Armenia sẽ không còn.

Vấn đề nằm ở chỗ, Mỹ vẫn đang sử dụng một cách tiếp cận lỗi thời, dựa trên các liên minh song phương không bền vững, giống như cách họ đã làm từ thời Chiến tranh Lạnh.

Cách tiếp cận "trục và nan hoa" này, với Gruzia là một "trục" ở Nam Kavkaz, đã không còn hiệu quả trong bối cảnh mới. Washington đã không xây dựng được một chiến lược lục địa mạch lạc cho Âu-Á và điều này đang làm suy yếu khả năng chống lại sự phối hợp giữa Nga và Trung Quốc.

Cần một cách tiếp cận mới cho lục địa Âu - Á?

Trong khi Mỹ vẫn đang loay hoay với các liên minh, cả Trung Quốc và Nga đều đã xây dựng các chiến lược lục địa rõ ràng.

Đối với Nga, "chủ nghĩa Âu - Á" đã trở thành một học thuyết chính trị cốt lõi, nhằm xây dựng một liên minh đối trọng với phương Tây và mở rộng ảnh hưởng trên toàn khu vực.

Trung Quốc cũng không kém cạnh, họ đang mở rộng ảnh hưởng của mình thông qua Sáng kiến Vành đai và Con đường (BI), một dự án cơ sở hạ tầng khổng lồ trải dài khắp Âu - Á.

Chính quyền Tổng thống Biden đã cố gắng thu hẹp khoảng cách bằng cách đầu tư vào cơ sở hạ tầng và xây dựng các liên kết giữa các đồng minh. Tuy nhiên, cách tiếp cận này vẫn còn mang nặng tư duy Chiến tranh Lạnh, chia Âu - Á thành các tiểu vùng rời rạc, dựa vào các quốc gia "trục" để duy trì ảnh hưởng của Mỹ.

Cách tiếp cận này đã làm suy yếu sức mạnh mặc cả của Mỹ đối với các quốc gia nhỏ hơn như Gruzia và tạo ra những điều kiện bất lợi cho sự phát triển dân chủ. Các quốc gia trong khu vực đã nhanh chóng học cách lợi dụng sự cạnh tranh giữa Mỹ, Nga và Trung Quốc để phục vụ lợi ích của mình.

Đã đến lúc Washington cần một cách tiếp cận mới, mang tính lục địa hơn. Một chiến lược như vậy nên tập trung vào việc thúc đẩy hội nhập kinh tế và kết nối giữa các tiểu vùng, xây dựng các tuyến đường thương mại và quá cảnh rõ ràng, đồng thời tăng cường sức mạnh tập thể cho các quốc gia nhỏ hơn.

Trong ngắn hạn, Mỹ có thể hỗ trợ sáng kiến "Crossroads for Peace" (là một dự án giao thông do chính phủ Armenia đề xuất vào tháng 10/2023, nhằm cải thiện mối liên kết với các nước láng giềng Azerbaijan , Gruzia, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và khôi phục hợp tác trong khu vực và thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau giữa các quốc gia) của Armenia, một nỗ lực nhằm tăng cường kết nối khu vực và giảm ảnh hưởng của Nga.

Về lâu dài, Mỹ cần phải xem xét lại cách thức hỗ trợ dân chủ cho các quốc gia trong khu vực, tập trung vào các dự án hợp tác xuyên biên giới và xây dựng mạng lưới chuyên gia trên khắp Âu-Á.

Gruzia có thể là một bài học đắt giá cho Washington. Sự thất bại của chính sách Mỹ ở đây đã làm nổi bật những hạn chế của cách tiếp cận cũ kỹ và lỗi thời.

Để duy trì ảnh hưởng và cạnh tranh với Nga và Trung Quốc, Mỹ cần phải có một chiến lược lục địa mạnh mẽ và toàn diện hơn.

Việt Dũng/Báo Tin tức (Theo FP)
Gruzia trước nguy cơ nội chiến đang cận kề
Gruzia trước nguy cơ nội chiến đang cận kề

Cuộc khủng hoảng chính trị tại Gruzia (Georgia) đang dần biến thành một ngòi nổ nguy hiểm, gợi nhớ đến "Phong trào Maidan" ở Ukraine năm 2013. Biểu tình bạo lực, áp lực từ bên ngoài, và các yếu tố nội tại khác đang đẩy quốc gia này đến nguy cơ nội chiến.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN