Theo trang thông tin và phân tích Calibre.az ngày 2/12, trong những ngày và tháng cuối năm 2024, tình hình tại Gruzia đang leo thang đến mức báo động, gợi nhớ đến các sự kiện Maidan ở Ukraine giai đoạn 2013-2014. Những cuộc biểu tình ban đầu mang tính hòa bình đã dần biến thành một phong trào cực đoan với các hành vi bạo lực và các yếu tố chính trị phức tạp, tạo nguy cơ đẩy Gruzia đến bờ vực của một cuộc nội chiến.
Tại thủ đô Tbilisi, các cuộc biểu tình bắt đầu từ ngày 30/11, xuất phát từ sự phản đối với chính phủ về việc đình chỉ đàm phán gia nhập EU. Những hình ảnh đầu tiên cho thấy một số người dẫn theo trẻ con tham gia biểu tình trong không khí ôn hòa. Tuy nhiên, chỉ trong vài ngày sau đó, tình hình đã leo thang nhanh chóng khi một số thành phần bị lợi dụng tham gia vào các hành động bạo lực, thậm chí tấn công lực lượng cảnh sát.
Điều này khiến lực lượng cảnh sát đứng trước lựa chọn khó khăn: hoặc phản ứng và đối mặt với nguy cơ bị cáo buộc gây thương tích cho người biểu tình, trong đó có cả trẻ em, hoặc giữ im lặng và chứng kiến tình hình leo thang.
Như vậy, chỉ trong ba ngày, những cuộc biểu tình “hòa bình” đã chuyển từ tụ họp thông thường sang ném bom xăng vào cảnh sát – một sự gia tăng căng thẳng nhanh chóng mà trước đây phải mất hơn một tháng trong các cuộc biểu tình Maidan ở Kiev.
Áp lực từ bên ngoài
Ngoài ra, có một áp lực chưa từng có đang được tạo ra đối với các viên chức chính quyền và nhân viên thực thi pháp luật của Gruzia, yêu cầu họ chống lại chính phủ của mình và ủng hộ phe đối lập thân phương Tây và các hành động của phe này. Một số người đang bị thuyết phục hoặc bị ép buộc viết "đơn kháng cáo" và từ chức. Đây là một nỗ lực nhằm làm mất ổn định bộ máy chính quyền từ bên trong.
Cơ quan ngoại giao Gruzia là bộ phận dễ bị tổn thương nhất trước những hành động như vậy. Các đại sứ Gruzia tại các quốc gia chủ chốt và nhân viên ngoại giao đã bắt đầu từ chức "để phản đối" các chính sách của chính phủ hợp pháp của họ. Trong số đó có Đại sứ Gruzia tại Mỹ David Zalkaliani.
Các sĩ quan cảnh sát cũng đang bị gây áp lực phải từ chức, với ít nhất 80 người đã bị thuyết phục làm như vậy. Đồng thời, thông qua các tác nhân của mình ở Gruzia, phương Tây đã thực sự bắt đầu tạo ra một cấu trúc quyền lực song song.
Cùng với đó, Tổng thống Gruzia Salome Zourabichvili, người được xem là thân phương Tây, đã tuyên bố sẽ tiếp tục nắm quyền mặc dù nhiệm kỳ của bà đã kết thúc. Tuyên bố này không chỉ vi phạm Hiến pháp Gruzia mà còn góp phần tạo ra tình trạng quyền lực kép, đẩy quốc gia này vào nguy cơ chia rẽ.
Một yếu tố khác đáng lo ngại là sự tham gia của các nhóm chiến binh trở về từ Ukraine. Có thông tin cho rằng các đơn vị người Gruzia từng chiến đấu trong Lực lượng vũ trang Ukraine đã sẵn sàng trở về nước để hỗ trợ phong trào đối lập. Lado Gamsakhurdia, lãnh đạo "Liên minh Kavkaz", tuyên bố các chỉ huy đã chờ lệnh từ Tổng thống Zourabichvili.
Việc này không chỉ đặt Gruzia trước nguy cơ xung đột nội bộ mà còn có thể mở ra một mặt trận giao tranh mới ở khu vực Kavkaz, ảnh hưởng nghiêm trọng đến ổn định khu vực. Các chuyên gia nhận định, nếu Gruzia rơi vào nội chiến, tình hình có thể nhanh chóng leo thang thành một cuộc chiến quy mô lớn hơn, kéo theo sự tham gia của các lực lượng khu vực khác, bao gồm cả Nga.
Tình hình Gruzia hiện nay dường như không chỉ là sự lặp lại của "Maidan ở Ukraine" mà còn có những yếu tố mới, đáng lo ngại hơn. Việc trẻ em bị lợi dụng, bộ máy chính quyền bị phá hoại từ bên trong, và sự can thiệp của các lực lượng nước ngoài là những dấu hiệu rõ ràng cho thấy Gruzia đang bị đẩy vào một cuộc khủng hoảng toàn diện.
Chính phủ Gruzia, dẫn đầu bởi Thủ tướng Irakli Kobakhidze, đã tuyên bố sẽ không dung thứ cho các hành động vi phạm pháp luật. Theo ông Kobakhidze, vào ngày 29/12/2024, bà Zourabichvili sẽ phải rời khỏi dinh thự tổng thống và trao lại quyền lực cho tổng thống mới được bầu hợp pháp. Tuy nhiên, với những diễn biến hiện tại, không ai có thể đảm bảo rằng mốc thời gian này sẽ không đánh dấu sự khởi đầu của một giai đoạn bạo lực mới.