Greenpeace cảnh báo ‘thảm họa Fukushima’ có thể xảy ra ở châu Âu

Tổ chức Hòa bình Xanh (Greenpeace) cảnh báo người dân Pháp cũng như các láng giềng châu Âu khác sẽ phải hứng chịu tổn thất nặng nề nếu những cơ sở hạt nhân tại các nước này bị khủng bố tấn công.

Nhà máy hạt nhân Belleville-sur-Loire tại Pháp. Ảnh: AFP

Đài Sputnik dẫn báo cáo của Greenpeace ngày 10/10 cho biết, rất nhiều cơ sở hạt nhân của Pháp đã được xây dựng trước khi có sự xuất hiện và trỗi dậy của các tổ chức khủng bố như Al-Qaeda hay Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Do vây, nguy cơ hứng chịu các cuộc tấn công khủng bố vào các cơ sở này không được những người có liên quan quan tâm chú ý, dẫn tới rất ít các biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn hạt nhân được áp dụng.

Chuyên gia về hạt nhân đồng thời là nhà hoạt động môi trường Oda Becker cho rằng các cơ sở hạt nhân có thể là “mục tiêu đầy sức hấp dẫn” của những kẻ khủng bố và “cực kỳ dễ bị tổn thương” trước các cuộc tấn công tự sát bằng máy bay kiểu như vụ 11/9. Một máy bay trực thăng được trang bị các chất nổ hoặc chỉ cần một phát đạn từ súng phóng lựu là đã đủ để làm được việc đó.

Nghiêm trọng hơn, Greenpeace cho rằng mối đe dọa mất an toàn đối với các bể nước làm nguội thanh nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng còn lớn hơn nhiều do mức độ bảo vệ chúng thậm chí rất thấp so với các nhà máy, cơ sở điện hạt nhân bình thường.

Một thanh nhiên liệu hạt nhân sau khi được sử dụng vẫn còn có mức độ phóng xạ rất cao và rất nóng. Do vậy, thanh nhiên liệu đó cần phải được làm lạnh trong một bể nước ít nhất vài năm.

Các chuyên gia cảnh báo rằng những kẻ khủng bố chỉ cần đơn giản “làm rò rỉ bể nước làm lạnh” là đã có thể gây ra những hậu quả khủng khiếp. Khi không có đủ lượng nước để làm lạnh, thanh nhiên liệu sẽ nóng lên, bùng cháy và giải phóng rất nhiều vật chất có độ phóng xạ cao vào các tòa nhà xung quanh, sau đó sẽ lan rộng ra toàn bộ môi trường rộng hơn. Theo nhà hoạt động môi trường Yannick Rousselet, một vụ rò rỉ như vậy có thể khiến cả một vùng trong vòng bán kính 250 km nhiễm phóng xạ.

Nếu điều đó xảy ra, sẽ chính xác là những gì diễn ra như thảm họa động đất và sóng thần tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi ở Nhật Bản vào tháng 3/2011.

Phản hồi về báo cáo trên của Greenpeace, các công ty hạt nhân của Pháp là Areva và EDF khẳng định luôn quan tâm và đã áp dụng nhiều biện pháp chặt chẽ đảm bảo an ninh, an toàn cho các cơ sở hạt nhân của mình. Areva cho biết mọi máy bay đều được giám sát liên tục qua radar và không được phép bay qua cơ sở hạt nhân La Hague, một trong những cơ sở hạt nhân lớn nhất của công ty sử dụng khoảng 114 thanh nhiên liệu. Còn EDF khẳng định các cơ sở, nhà máy hạt nhân của họ đều an toàn và công ty này hợp tác chặt chẽ với các cơ quan chức năng để đánh giá, ngăn chặn mối đe dọa tấn công khủng bố.

Hiện tại Pháp có 58 lò phản ứng hạt nhân – nhiều thứ hai thế giới sau Mỹ tính về tổng số các nhà máy điện hạt nhân – và có 63 bể làm lạnh các thanh nhiên liệu đã qua sử dụng. Greenpeace ước tính chi phí cần thiết để nâng cấp hệ thống an ninh an toàn của một cơ sở hạt nhân rơi vào khoảng 1 tỷ euro.

Bộ trưởng Môi trường Pháp Sébastien Lecomu khẳng định chính phủ sẽ nghiên cứu kỹ lưỡng báo cáo của Greenpeace, nhưng cho rằng Pháp “có sự bảo vệ an toàn hạt nhân tốt nhất và áp dụng các biện pháp an ninh nghiêm ngặt nhất trên thế giới”. Bắt đầu từ năm 2014, chính phủ Pháp đã yêu cầu bắt buộc phải có báo cáo về mọi máy bay và vật thể bay không người lái bay qua các cơ sở hạt nhân tại nước này.

Nguyễn Vũ/Báo Tin Tức
Gần 1 triệu người Nga phải sơ tán do làn sóng 'khủng bố điện thoại'
Gần 1 triệu người Nga phải sơ tán do làn sóng 'khủng bố điện thoại'

Truyền thông Nga ngày 9/10 đưa tin làn sóng "khủng bố điện thoại" kéo dài 1 tháng qua tại Nga đã gây ảnh hưởng đến gần 1 triệu người tại hơn 140 thành phố của nước này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN