Từ ngày 30/11/2022, Bộ Xây dựng đã ban hành QCVN 06:2022/BXD và có hiệu lực thi hành từ ngày 16/1/2023. Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng QCVN 06:2022/BXD vẫn còn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc nhất định cần thiết phải rà soát, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
Do đó, ngày 27/5/2023, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã có Quyết định hỏa tốc chỉ đạo Viện Khoa học công nghệ xây dựng (IBST) chịu trách nhiệm phối hợp với Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ cùng đơn vị liên quan tổ chức ngay nhiệm vụ đột xuất rà soát toàn bộ vướng mắc về an toàn cháy trong hoạt động xây dựng.
Việc rà soát nội dung QCVN 06:2022/BXD để xác định rõ các vướng mắc, nguyên nhân, từ đó đề xuất nội dung cần sửa đổi; đồng thời, đề xuất hoàn chỉnh hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật phòng cháy chữa cháy cho nhà và công trình. Mục tiêu là biên soạn sửa đổi QCVN 06:2022/BXD đảm bảo các cơ sở khoa học phù hợp điều kiện thực tiễn tại Việt Nam, tuân thủ các quy định pháp luật có liên quan…
Ông Lê Minh Long, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng) cho biết, đây cũng là dịp để Bộ Xây dựng tiếp tục lắng nghe, thu thập các ý kiến phản hồi để phân tích, nghiên cứu, đối chiếu với các quy định quốc tế… từ đó có thể nắm bắt tình hình áp dụng QCVN 06:2022/BXD trên thực tế để tiếp tục phổ biến, tập huấn, hướng dẫn cho đối tượng liên quan nhằm đạt hiệu quả cao nhất trong thời gian ngắn nhất khi thực thi pháp luật; đạt được tiếng nói chung trong việc hiểu đúng các quy định về phòng cháy chữa cháy trong QCVN 06:2022/BXD - ông Long nhấn mạnh.
Thượng tá Nguyễn Văn Bình, Trưởng Phòng Khoa học công nghệ - Cục Phòng cháy chữa cháy cho biết, thời gian qua, Bộ Công an đã chỉ đạo đơn vị chức năng tổ chức rà soát, tổng hợp, thực hiện các biện pháp xử lý đối với các công trình vi phạm chưa được nghiệm thu về phong cháy chữa cháy đã đưa vào sử dụng sau ngày Luật Phòng cháy và chữa cháy năm 2001 có hiệu lực; đồng thời hướng dẫn biện pháp khắc phục.
Tuy nhiên, đến nay, qua thống kê cho thấy, trên toàn quốc vẫn còn hàng nghìn công trình chưa được nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy đã đưa vào sử dụng và chưa khắc phục đầy đủ yêu cầu an toàn phòng cháy chữa cháy theo QCVN 06 của Bộ Xây dựng.
Những khó khăn, vướng mắc chưa được khắc phục chủ yếu liên quan đến các vi phạm về kiến trúc, kết cấu xây dựng của công trình đã thi công xây dựng hiện hữu như: đường giao thông phục vụ chữa cháy, khả năng tiếp cận của xe thang, xe chữa cháy đến công trình...
Cùng đó, khoảng cách phòng cháy chữa cháy của công trình đến đường ranh giới khu đất, đến các công trình lân cận không đảm bảo; chưa đảm bảo số lượng, chủng loại buồng thang bộ thoát nạn, cầu thang trong nhà để hở… hoặc cơ sở vi phạm quy định về trật tự xây dựng, dẫn tới khó khăn về kỹ thuật và pháp lý, kéo dài thời gian khắc phục của chủ đầu tư – ông Bình nêu rõ.
Theo đó, nhiều chuyên gia đề xuất, thời gian tới, cần nghiên cứu xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung Luật Phòng cháy chữa cháy theo hướng xã hội hóa khâu thẩm duyệt, nghiệm thu; đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường phân cấp...
Vấn đề cấp bách hiện nay là bảo đảm tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật về phòng cháy chữa cháy, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tồn tại; đặc biệt là các cơ sở hiện hữu đã đưa vào sử dụng, phục vụ có hiệu quả hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp, bảo đảm an toàn cháy, nổ, bảo vệ tính mạng, sức khỏe tài sản của người dân.
Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Công an và các cơ quan liên quan xây dựng Nghị quyết của Chính phủ để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật đối với hoạt động đầu tư xây dựng theo từng đối tượng, loại hình cơ sở hiện hữu có tồn tại, vướng mắc trên nguyên tắc “bảo đảm yêu cầu an toàn cháy, nổ nhưng không hợp thức hóa sai phạm”.
Nhằm đảm bảo an toàn cho người sử dụng khi có cháy xảy ra trong nhà, QCVN 06/BXD có một số yêu cầu cơ bản về các khả năng sơ tán, cứu người, tiếp cận đám cháy và thực hiện các biện pháp chữa cháy, cứu người, cứu tài sản…
Ông Hoàng Anh Giang, Phó Giám đốc IBST chia sẻ, một trong những yếu tố cần thiết là nhà phải được thiết kế bảo vệ chống khói. Đây là hệ thống kỹ thuật bao gồm các giải pháp được sử dụng đơn lẻ hoặc kết hợp để kiểm soát sự lan tỏa của khói. Cùng đó là giải pháp kỹ thuật hút xả khói mà tùy điều kiện cụ thể của từng nhà thì có thể là một hoặc tổ hợp của những hệ thống như: bảo vệ chống khói khối tích lớn (sảnh thông tầng); thông gió thoát khói cơ khí; thông gió tự nhiên khi có cháy.
Dưới một góc nhìn khác, ông Nguyễn Hồng Châu, Trưởng Phòng Quản lý kỹ thuật, Công ty CP Tư vấn đầu tư và Xây dựng Việt Nam (CDC) nêu quan điểm, đối với một văn bản pháp luật thì mọi người đều phải hiểu giống nhau. Nhưng QCVN 06:2022/BXD hiện có một số quy định chưa thực sự được các chủ thể tham gia xây dựng (quản lý nhà nước, doanh nghiệp, tư vấn thiết kế, nhà thầu xây dựng…) cùng hiểu giống nhau dẫn đến còn nhiều ý kiến trái chiều trong thực tế.
“Quy chuẩn chỉ nêu các quy định, giới hạn phải tuân thủ. Còn làm thế nào để đạt được yêu cầu đã quy định thì đó là vấn đề được giải quyết trong các tiêu chuẩn, hướng dẫn”, ông Châu nhận xét.
Bên cạnh đó, việc nghiệm thu phòng cháy chữa cháy có thực sự phù hợp với điều kiện về trang thiết bị thử nghiệm sẵn có của Việt Nam hay cho các địa phương khác nhau, cần có sự thống nhất về giải pháp, phương pháp luận giữa thẩm định và nghiệm thu.
Đặc biệt, cần có các giải pháp kỹ thuật thống nhất trong toàn quốc, được áp dụng cho mọi công trình và được đưa ra như “án lệ” trong ngành tư pháp, để tiết kiệm thời gian thực hiện, nhanh chóng đưa công trình vào sử dụng và tránh được các bất đồng về quan điểm của một cá nhân, một chủ thể - chuyên gia này đề xuất
Hiện nay, các phiên bản của QCVN 06 đều không quy định phải sử dụng bất kỳ vật liệu cụ thể nào, mà chỉ đưa ra các yêu cầu kỹ thuật tối thiểu hoặc tối đa cần phải đạt. Việc sử dụng vật liệu cụ thể cho kết cấu chịu lực và bao che của công trình sẽ được chủ đầu tư lựa chọn dựa trên chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật phù hợp với dự án. Vấn đề này nếu không được các đơn vị tư vấn của chủ đầu tư thực hiện hợp lý thì kinh phí cho dự án sẽ tăng cao - các chuyên gia cảnh báo.
Trên thực tế, cũng cần áp dụng một số giải pháp về vật liệu đã có trên thị trường nhằm giảm thiểu rủi ro hỏa hoạn bằng việc sử dụng các loại vách ngăn, tấm trần, keo, kính có khả năng chống cháy và chống khói lan, cháy lan...