Bên cạnh thói quen đeo khẩu trang, đại dịch COVID-19 trong 3 năm qua góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trên thế giới. Nhiều người đã phải từ bỏ những thói quen cũ và đón nhận một cuộc sống kỹ thuật số mới. Internet từ chỗ là một phần phụ trợ trong cuộc sống trở thành công cụ hạt nhân để chúng ta làm việc, học hỏi, mua sắm và giao tiếp.
Đối với hầu hết mọi người, cuộc sống sớm ổn định trong một trạng thái bình thường mới. Nhưng thật không may, điều tương tự không thể xảy đến nhanh như vậy đối với những người cao tuổi.
Theo khảo sát của Cơ quan Phát triển Truyền thông Infocomm (IMDA) vào năm 2021, tại Singapore, chỉ có hơn một nửa (58%) người dân trên 60 tuổi là người dùng Internet. Thậm chí ngay cả với những dùng mạng, nhóm người sử dụng thanh toán kỹ thuật số và các ứng dụng gọi xe cũng chỉ chiếm đa số ở độ tuổi 20.
Từ những số liệu trên, không chỉ gần nửa triệu người cao tuổi có nguy cơ bị bỏ lại phía sau trong cuộc cách mạng kỹ thuật số tại Singapore mà đến ngay cả những người sử dụng Internet rồi cũng không đủ hiểu biết về kỹ thuật số để tận dụng triệt để trong cuộc sống.
Sáng kiến hỗ trợ từ chính phủ
Là một phần trong nỗ lực của Singapore nhằm nâng cao hiểu biết về chuyển đổi số cho người cao tuổi, một chương trình có tên gọi "Seniors Go Digital" (Người cao niên chuyển sang kỹ thuật số) đã được triển khai vào năm 2020 để hỗ trợ hành trình tiếp nhận kỹ thuật số cho những người trên 50 tuổi.
Theo sáng kiến, người cao tuổi có thể tham gia các bài học nhóm để học các kỹ năng cơ bản cần thiết ban đầu, bao gồm làm quen với giao diện điện thoại thông minh hoặc hiểu cách hoạt động của các ứng dụng. Những kỹ năng này có thể trở thành một bài học phức tạp đối với người cao tuổi, khi giờ đây họ không còn nhanh nhẹn trong các thao tác điện tử hay mắt kém không đọc được nội dung qua màn hình điện thoại nhỏ bé. Chính vì vậy, người cao tuổi cần được hỗ trợ thường xuyên để duy trì động lực học tập và xoa dịu nỗi sợ hãi về việc sử dụng công nghệ.
Trung tâm Cộng đồng kỹ thuật số Singapore tại các thư viện và từng khu dân cư ra đời với mục đích thực hiện điều đó. Tại các trung tâm này, nhân viên xã hội nắm rõ về kỹ thuật số sẽ có mặt để hướng dẫn trực tiếp 1-1 đối với từng người cao tuổi. Sau các kỹ năng cơ bản, chương trình giảng dạy kỹ thuật số cũng được nâng cao để toàn diện hơn và phù hợp với cuộc sống hàng ngày. Các chủ đề mới như sức khỏe, an ninh mạng và lối sống được thêm vào chương trình hướng dẫn. Ví dụ, các nhân viên hướng dẫn sẽ trang bị cho người cao tuổi kiến thức về việc sử dụng các ứng dụng liên quan đến sức khỏe, cho phép người cao tuổi truy cập hồ sơ y tế và đặt lịch khám tại phòng khám, đồng thời khuyến khích họ áp dụng lối sống lành mạnh. Họ cũng có thể học cách sử dụng các nền tảng thương mại điện tử và kỹ năng nhận biết những người bán hàng lừa đảo.
Bên cạnh đó, để đảm bảo rằng những hạn chế về tài chính không cản trở việc áp dụng kỹ thuật số, chính phủ Singapore cũng giới thiệu các chương trình như Truy cập di động cho người cao niên hay Chương trình Home Access (Truy cập Tại nhà) nhằm cung cấp các dịch vụ băng thông rộng được trợ cấp và các gói điện thoại thông minh cho người cao tuổi có thu nhập thấp hơn. Trong chương trình Truy cập di động cho người cao niên, chính phủ trợ cấp cho những người cao tuổi đủ điều kiện – những người gặp khó khăn về mặt tài chính - ít nhất 5GB dữ liệu/tháng và một điện thoại thông minh cơ bản có giá hỗ trợ 20 đô-la Singapore (khoảng 340.000 đồng) với phí cước di động cả năm là 5 đô-la Singapore.
Cho đến nay, các chiến dịch đều mang lại những kết quả lạc quan. Kể từ khi bắt đầu vào năm 2020, hơn 130.000 người cao tuổi tại Singapore đã được hưởng lợi từ chương trình Seniors Go Digital, có được các kỹ năng cần thiết giúp họ giao tiếp và giao dịch trực tuyến. Chương trình Home Access kết hợp với các sáng kiến như "Seniors Go Digital" đã giúp nâng tỷ lệ sử dụng Internet gia đình của Singapore từ 87% năm 2016 lên 98% năm 2020.
Bên cạnh người cao tuổi, chính phủ Singapore còn mở rộng nỗ lực tiếp cận với các nhóm xã hội dễ bị tổn thương khác. Văn phòng Kỹ thuật số Singapore (SDO) đã thiết lập hơn 200 dịch vụ lưu động hỗ trợ để đưa các dịch vụ của mình đến gần hơn với những người cao tuổi trong cộng đồng.
Chương trình cũng sẽ được tùy chỉnh cho những người cao tuổi thuộc các nhóm đối tượng cụ thể của cộng đồng, như những người bị điếc hoặc khiếm thính, để giúp họ có được các kỹ năng kỹ thuật số. Bên cạnh đó, SDO cũng đang làm việc với các tổ chức cộng đồng và cơ sở chăm sóc sức khỏe để cung cấp đào tạo kỹ thuật số cho những người cao niên có nhu cầu và tình trạng y tế đặc biệt.
Thách thức trong con đường hoà nhập kỹ thuật số
Đối với một số người cao tuổi tại Singapore, việc truy cập các dịch vụ kỹ thuật số sẽ tiếp tục là một trải nghiệm khó khăn khi rào cản ngôn ngữ vẫn còn tồn tại. Bất chấp những nỗ lực kiên nhẫn và quyết tâm từ cộng đồng xung quanh giúp người cao tuổi tiếp cận một cuộc sống số, nhiều dịch vụ ứng dụng chỉ có sẵn bằng tiếng Anh đã trở thành thách thức đối với họ.
Mặc dù được sử dụng rộng rãi ở Singapore những trước năm 1966, tiếng Anh không phải là phương tiện ngôn ngữ giảng dạy chính tại các trường học. Trong trường hợp đó, đối với những người cao tuổi được giáo dục bằng tiếng mẹ đẻ như tiếng Mã Lai, tiếng Tamil hoặc tiếng Trung, tiếng Anh có thể là một ngôn ngữ xa lạ.
Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều người cao tuổi không được học hành chính quy, không biết chữ và chỉ có thể giao tiếp bằng tiếng địa phương. Đối với nhóm đối tượng này, các rào cản đối với việc áp dụng kỹ thuật số sẽ còn khó khăn.