Sonatrach thuộc sở hữu nhà nước của Algeria đã cung cấp hơn 40% lượng khí đốt tự nhiên nhập khẩu của Tây Ban Nha vào năm 2021, hầu hết được cung cấp trực tiếp thông qua đường ống dẫn Medgaz dài 750 km.
Algeria, nhà xuất khẩu khí đốt lớn nhất châu Phi, trước đó cũng cung cấp khí đốt thông qua đường ống GME (Gaz Maghreb Europe), nối Tây Ban Nha với Algeria qua Maroc.
Nhưng Algiers vào tháng 11 năm ngoái đã ngừng cung cấp thông qua GME do rạn nứt ngoại giao với Rabat.
Bộ trưởng Năng lượng Algeria Mohamed Arkab cho biết, người đồng cấp Tây Ban Nha đã thông báo với ông rằng Madrid sẽ “cho phép vận hành” đường ống GME và việc này sẽ bắt đầu “hôm nay hoặc ngày mai”, nhưng không đề cập đến quốc gia sẽ nhận được khí đốt.
Tuy nhiên, vào tháng 2/2022, Tây Ban Nha cho biết họ sẽ giúp Rabat “đảm bảo an ninh năng lượng” bằng cách cho phép Rabat vận chuyển khí đốt qua GME.
Trước tình hình trên, Algiers cảnh báo rằng bất kỳ hoạt động chuyển tiếp nào nguồn “khí đốt tự nhiên của Algeria được giao cho Tây Ban Nha, mà điểm đến không được đề cập trong hợp đồng, sẽ bị coi là vi phạm cam kết”.
Theo phía Algeria, điều đó xảy ra "có thể dẫn đến việc chấm dứt hợp đồng giữa Sonatrach và các khách hàng Tây Ban Nha".
Algeria và Maroc đã trải qua nhiều tháng căng thẳng ngoại giao, một phần là do việc Maroc bình thường hóa quan hệ với Israel để đổi lấy việc Washington công nhận chủ quyền của Rabat đối với khu vực tranh chấp Tây Sahara.
Tây Ban Nha, quốc gia phụ thuộc vào Algeria về nguồn cung cấp khí đốt, đã phá vỡ lập trường trung lập kéo dài hàng thập kỷ và công nhận kế hoạch tự trị của Maroc đối với vùng lãnh thổ trên, một thuộc địa cũ của Tây Ban Nha.
Cảnh báo của Algeria được đưa ra trong bối cảnh châu Âu đang "khát" năng lượng vì tìm cách cắt giảm dầu khí nhập từ Nga sau cuộc xung đột Nga-Ukraine.
Tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom của Nga đã ngừng tất cả các nguồn cung cấp khí đốt cho Ba Lan và Bulgaria, làm dấy lên lo ngại về sự thiếu hụt năng lượng trong khu vực và cả châu Âu nói chung.