Giri choco - truyền thống Ngày lễ tình nhân độc đáo đang trở nên lỗi thời ở Nhật Bản. Ảnh minh họa: Nikkei Asia
Phong tục “giri-choco” (tạm dịch là sô-cô-la vì trách nhiệm) từng là văn hóa không thể thiếu tại nơi công sở Nhật Bản. Trong khi ở phương Tây, đàn ông thường tặng hoa cho phụ nữ vào ngày này, thì tại “xứ sở hoa anh đào”, vào ngày Valentine, phụ nữ sẽ tặng sô-cô-la cho đồng nghiệp nam, sếp, hoặc những người đàn ông mà họ quý trọng để thể hiện phép lịch sự, lòng biết ơn như một món quà thông dụng. Mặc dù không phải bắt buộc, nhưng phong tục này vẫn là một phần quen thuộc trong môi trường công sở.
Phong tục giri-choco từng phổ biến mạnh mẽ đến mức có thể thúc đẩy giá cổ phiếu của các nhà sản xuất sô-cô-la, như Bloomberg từng đề cập hơn một thập kỷ trước. Tuy nhiên, theo thời gian, cùng với sự thay đổi trong văn hóa công sở, phong tục này đang dần biến mất.
Theo khảo sát của Nippon Life Insurance, chỉ có 13% những người có kế hoạch tặng quà vào Ngày lễ tình nhân năm nay cho biết họ sẽ tặng sô-cô-la cho đồng nghiệp. Một khảo sát khác cho thấy tỷ lệ tặng sô-cô-la cho đồng nghiệp đã giảm xuống còn 5% vào năm 2023, so với 14% trước đại dịch COVID-19, chủ yếu vì chi phí tăng và sự phiền phức liên quan.
Giống như nhiều truyền thống khác, giri-choco được xem như một phát minh sau chiến tranh để kích thích doanh số bán hàng, do các công ty sản xuất bánh kẹo khởi xướng. Khi phong tục này ngày càng thịnh hành, tháng 2 nhanh chóng trở thành thời điểm mang lại doanh thu lớn cho ngành sô-cô-la.
Tuy nhiên, làn sóng phản đối đã gia tăng trong nhiều năm qua. Ngày nay, khi phụ nữ đang ngày càng chiếm đa số trong lực lượng lao động, nhiều người cảm thấy phong tục này khá tốn kém và mất thời gian.
Thương hiệu sô-cô-la Black Thunder đã khéo léo chỉ trích phong tục giri-choco trong các chiến dịch quảng cáo của mình. Năm 2018, Godiva, một nhà sản xuất sô-cô-la Bỉ, đã đăng quảng cáo trên báo Nikkei, kêu gọi Nhật Bản chấm dứt việc tặng quà, được coi là bắt buộc này, vì nó tạo áp lực không đáng có cho phụ nữ. Dịch COVID-19 cũng góp phần đẩy mạnh sự suy giảm của truyền thống này khi nhiều người làm việc từ xa, không cần phải đến văn phòng vào ngày 14/2.
Vào Ngày lễ Tình nhân 14/2, phụ nữ Nhật Bản thường tặng sô-cô-la cho sếp và đồng nghiệp nam. Ảnh: Getty Images
Và với nam giới, mọi thứ không đơn giản chỉ là nhận và thưởng thức sô-cô-la. Họ cũng bị yêu cầu phải đáp lại vào Ngày Valentine trắng 14/3, phong tục bắt đầu từ thập niên 1980, cũng do các nhà sản xuất bánh kẹo tạo ra. Thực tế, nam giới phải chi tiêu khoảng 150% giá trị món quà mà họ nhận được. Dù việc nhận sô-cô-la có thể thú vị, nhưng việc tính toán và sắp xếp trả lại quà thường gây nhiều rắc rối hơn giá trị của nó. Nhiều người, thà không nhận giri-choco để khỏi phải lo lắng về việc đáp lại
Tuy vậy, ngành công nghiệp sô-cô-la không cần phải lo lắng. Khi giri-choco không còn phổ biến, các phong tục tặng quà khác đã xuất hiện, như tomo-choco (tặng sô-cô-la cho bạn bè), kazoku-choco (tặng sô-cô-la cho gia đình), và phổ biến nhất là jibun-choco (tự tặng sô-cô-la cho bản thân). Thị trường sô-cô-la cũng ngày càng mở rộng, không chỉ giới hạn trong việc tặng quà từ phụ nữ cho nam giới, mà tháng 2 trở thành thời điểm tặng sô-cô-la cho tất cả mọi người.
Thật thú vị, các ngành công nghiệp khác cũng học cách thích nghi. Sau nhiều năm tiếp thị, ngành công nghiệp hoa đã khuyến khích nam giới Nhật Bản trở nên lãng mạn hơn, với hơn 14% nam giới ở độ tuổi 20 tặng hoa vào Ngày lễ tình nhân, tăng từ chỉ 1,7% vào năm 2013. Vì vậy, cũng không thể khẳng định rằng sự lãng mạn đã biến mất!