Nghiên cứu mới nhất của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) và Viện Khoa học Carnegie của Mỹ đã phát hiện Mặt Trăng chứa nhiều nước hơn đánh giá trước đây của các nhà khoa học. Phát hiện mới này đã đặt ra vấn đề cần thẩm định lại những giả thuyết lâu nay về sự hình thành của vệ tinh tự nhiên này của Trái Đất.
Các nhà khoa học Mỹ đã xác định lượng nước chứa trong 7 khối vật chất (magma) được lấy từ Mặt Trăng cao gấp 100 lần so với các nghiên cứu trước đây. Trên cơ sở nghiên cứu này, các nhà khoa học cho rằng Mặt Trăng có thể chứa tới gần 4 tỷ lít nước. Phát hiện mới này đã thách thức lý thuyết lâu nay cho rằng so với Trái Đất và những hành tinh khác trong Hệ Mặt Trời, lượng nước thấp và các hợp chất dễ bay hơi trên Mặt Trăng là những bằng chứng cho thấy Mặt Trăng được tạo thành nhờ những tác động mạnh đủ năng lượng để tạo thành vô số những magma.
Phát hiện mới này cũng gợi ý rằng vật thể lớn cỡ sao Hỏa tác động đến quá trình hình thành của Mặt Trăng, hoặc nóng hoặc lạnh hơn nhiều so với dự báo trước đây. Nếu vật thể này lạnh hơn thì nhiều vật chất bao gồm cả nước không bị nóng chảy và sẽ bị vùi sâu vào bên trong Mặt Trăng. Nếu va chạm này tạo ra năng lượng lớn, đá sẽ bị bốc hơi và tạo ra bầu khí quyển tạm thời. Dù khí quyển này đậm đặc và tồn tại trong thời gian ngắn, nhưng nó cũng cho phép Trái Đất lúc đó vẫn đang hình thành và Mặt Trăng trao đổi nước với nhau. Với sự hiện diện của nước, có rất nhiều khả năng sự sống đã tồn tại trên Mặt Trăng vào thời điểm nào đó.
Anh Tuấn (P/v TTXVN tại New York, Mỹ)