Giới chuyên gia: CDC Mỹ 'khinh suất' khi cắt thời gian cách ly COVID còn 5 ngày

Một số chuyên gia về miễn dịch học và dịch tễ học đã chỉ trích CDC Mỹ quá "khinh suất" khi giảm một nửa thời gian tự cách ly với những người mắc COVID-19 xuống chỉ còn 5 ngày.

Chú thích ảnh
Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm ở New York, Mỹ trong bối cảnh biến thể Omicron đang lan nhanh. Ảnh: NY Times

Trước đó, ngày 28/12 Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) đã thông báo hướng dẫn mới đưa ra thời gian đề xuất cách ly chỉ 5 ngày với những người có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2, thay vì 10 ngày như trước. CDC dẫn bằng chứng rằng mọi người dễ lây nhiễm nhất trong khoảng hai ngày trước khi họ phát triển các triệu chứng và ba ngày sau đó.

Tuy nhiên, một số chuyên gia y tế đã bày tỏ phản ứng tức giận và khó hiểu trước khuyến nghị mới của CDC. Một giáo sư miễn dịch học tuyên bố trên Twitter rằng quyết định này khiến ông "bối rối".

Theo tạp chí Newsweek, nhà dịch tễ học và miễn dịch học Michael Mina đăng dòng tweet: "Hướng dẫn mới của CDC về việc giảm cách ly [người] dương tính xuống còn 5 ngày mà không yêu cầu xét nghiệm âm tính là thiếu thận trọng”. "Một số người sẽ lây nhiễm trong 3 ngày, một số trong 12 ngày", ông Michael viết.

"Tôi hoàn toàn không muốn ngồi cạnh một người đã dương tính 5 ngày trước và chưa xét nghiệm âm tính. Xét nghiệm âm tính để dừng cách ly sớm mới là thông minh”.

Giáo sư Michael Mina chỉ trích ý kiến cho rằng những người bị COVID-19 nên dừng cách ly mà không cần xét nghiệm âm tính. Ông cũng phản bác tuyên bố của CDC về thời điểm bệnh nhân dễ lây nhiễm nhất, cho rằng thông tin này bỏ qua biến thể Omicron.

Erin Bromage, Phó giáo sư về miễn dịch học tại Đại học Massachusetts (Mỹ) cũng bày tỏ lo ngại tương tự. Ông chia sẻ hai hình ảnh về xét nghiệm COVID-19 dương tính trên Twitter và giải thích: “Tôi bối rối trước quyết định rút ngắn thời gian cách ly của CDC. Đây là các xét nghiệm từ cùng một người: ngày 0 (3 ngày sau khi tiếp xúc) và ngày 8. Người đó vẫn có một lượng lớn virus trong mũi 8 ngày sau khi xét nghiệm dương tính."

Chú thích ảnh
Một phụ nữ lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Manhattan, New York ngày 27/12. Ảnh: Reuters

Bromage cho biết ông theo dõi việc xét nghiệm hàng nghìn người mỗi tuần trong các chương trình giám sát tại nơi làm việc.

"Vì không muốn xảy ra lây truyền tại nơi làm việc, chúng tôi đảm bảo rằng khi người nào có kết quả dương tính, chúng tôi sẽ không đưa họ trở lại làm việc quá sớm. Việc lây nhiễm tại nơi làm việc sẽ khiến chúng bị tôi ngừng hoạt động (theo các quy tắc của công đoàn), vì vậy chúng tôi thận trọng và sử dụng dữ liệu để yêu cầu mọi người trở về nhà”.

Trong khi đó, nhà dịch tễ học Eric Feigl-Ding nhấn mạnh sự gia tăng các ca nhiễm do biến thể Omicron trên khắp nước Mỹ khiến ông phải đặt câu hỏi về quyết định của CDC.

"Giảm 50% [thời gian cách ly]— điều này có ý nghĩa không - CDC rút ngắn thời gian cách ly COVID19 với những người không có triệu chứng (tự báo cáo) xuống chỉ còn 5 ngày, thay vì 10. Trong khi các ca Omicron vượt qua mức đỉnh của năm ngoái với số ca nhập viện cũng tăng lên, tôi thực sự lo lắng về điều này”, ông Feigl-Ding viết.

Chuyên gia Feigl-Ding cũng lưu ý trong một dòng tweet khác rằng khuyến nghị của CDC khác với tình hình ở Anh, quốc gia hiện yêu cầu hai xét nghiệm âm tính trước khi người nhiễm COVID-19 dừng cách ly sau 10 ngày.

"Nhưng bằng cách nào đó, việc dừng cách ly sau 5 ngày mà không cần xét nghiệm âm tính ở Mỹ lại là ổn? Chủ nghĩa ngoại lệ của Mỹ không áp dụng cho một loại virus gây đại dịch”, ông Feigl-Ding viết.

Ngày 28/12, CDC Mỹ đã đưa ra khuyến nghị rằng những người có kết quả xét nghiệm dương tính nhưng không có triệu chứng được dừng cách ly sau 5 ngày và nên đeo khẩu trang khi ra ngoài.

Cơ quan này cũng khuyến cáo rằng những người chưa tiêm chủng và những người đã tiêm mũi vaccine thứ hai được hơn 6 tháng mà chưa tiêm mũi nhắc lại, nên cách ly trong 5 ngày nếu phơi nhiễm virus. Sau đó, họ nên đeo khẩu trang trong năm ngày nữa khi tiếp xúc với người khác.

Giám đốc CDC, Tiến sĩ Rochelle Walensky cho biết hôm 28/12 rằng nhiều ca nhiễm biến thể Omicron "không có triệu chứng." Bà giải thích: “Chúng tôi muốn đảm bảo rằng có một cơ chế để chúng ta có thể tiếp tục duy trì một xã hội hoạt động an toàn trong khi tuân theo khoa học”.

Thu Hằng/Báo Tin tức
COVID-19 tới 6h sáng 29/12: Ca nhiễm mới thế giới vọt trên 1,1 triệu, 6.000 ca tử vong/ngày
COVID-19 tới 6h sáng 29/12: Ca nhiễm mới thế giới vọt trên 1,1 triệu, 6.000 ca tử vong/ngày

Trong 24 giờ qua, ca nhiễm mới trên toàn thế giới bất ngờ vọt tăng lên mức trên 1,1 triệu ca; ca tử vong mới cũng lên tới con số 6.040 người. Nước Mỹ đã vượt mốc 54 triệu ca bệnh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN