Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (phải) nhận thư của Tổng thống Nga Vladimir Putin do Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov trao lại, tại Bình Nhưỡng ngày 31/5. YONHAP/ TTXVN |
Hồi tháng trước, Điện Kremlin thông báo, Moskva đã mời nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tới thăm Nga, đồng thời cho biết ông Kim Jong-un có thể thực hiện chuyến thăm trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế phương Đông dự kiến diễn ra ở thành phố Vladivostok thuộc vùng Viễn Đông vào tháng 9 tới.
Ngoài ra, Đại sứ Matsegora cũng cho biết thêm hiện Nga xuất khẩu sang Triều Tiên từ 200 - 400 tấn sản phẩm dầu mỗi tháng. Hồi tháng 1 vừa qua, quan chức ngoại giao này nêu rõ hạn ngạch do Liên hợp quốc (LHQ) quy định cho phép Nga, Trung Quốc và các nước khác xuất khẩu sang Triều Tiên là hơn 60.000 tấn sản phẩm dầu mỗi năm.Triều Tiên phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu được nhập khẩu để duy trì hoạt động nền kinh tế.
Trước đó, ngày 16/7, trả lời phỏng vấn hãng tin Fox News, Tổng thống Nga Putin cho rằng để đạt được mục tiêu phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên, cần có sự đảm bảo của quốc tế và khẳng định Nga sẵn sàng giúp sức.
Cùng ngày, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết Nga sẽ hỗ trợ tiến trình phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên đồng thời cho biết các cuộc đàm phán đang tiến triển.
Trong một tuyên bố đăng tải trên Twitter, Tổng thống Trump nêu rõ: "Nga đã đồng ý hỗ trợ trong vấn đề Triều Tiên". Theo ông, quan hệ giữa Mỹ và Triều Tiên đang "rất tốt đẹp", tiến trình đàm phán đang "đạt tiến triển" và có "nhiều lợi ích và tương lai tốt đẹp đang chờ đợi Triều Tiên khi tiến trình đàm phán kết thúc". Tổng thống Trump cũng cho biết thêm các bên đang không vội vàng và các lệnh trừng phạt Bình Nhưỡng hiện vẫn duy trì.
Trong một diễn biến khác, cũng trong ngày 18/7, Đại sứ Nga tại Nhật Bản Mikhail Galuzin cho biết Nga tin rằng tiếp sau hoặc song song với việc phi hạt nhân hóa Triều Tiên, điều cần làm là phải tiến hành một cuộc thảo luận đa phương về một cơ chế trong tương lai nhằm đảm bảo hòa bình, an ninh và ổn định bền vững ở Đông Bắc Á, nhất là khu vực Bán đảo Triều Tiên và lân cận. Đại sứ Galuzin cũng bày tỏ hy vọng Nga và Nhật Bản có chung cách tiếp cận liên quan tới vấn đề này.