Trong thông cáo mới nhất, FARDC cho biết giao tranh vẫn đang diễn ra giữa lực lượng này và M23, nhóm vũ trang tuyên bố sẽ áp dụng lệnh ngừng bắn từ 12h trưa (giờ địa phương) ngày 7/3. M23 đã tấn công một số vị trí của FARDC ở phía Đông tỉnh Bắc Kivu, nơi căng thẳng đã leo thang trong vài tháng qua, vì giao tranh vẫn đang tiếp diễn. Ngoài ra, FARDC cũng cáo buộc phiến quân M23 đã thực hiện vụ nã đạn tầm xa hôm 6/3 khiến 3 người thiệt mạng và 6 người bị thương ở thành phố Sake, cách Goma, thủ phủ của tỉnh Bắc Kivu 27 km. Cả hai bên đã cáo buộc lẫn nhau phát động các cuộc tấn công nhằm vào vị trí của mình.
Willy Ngoma, phát ngôn viên của M23, nói rằng quân đội Congo ngày 6/3 đã tấn công "đồng thời vào tất cả các vị trí của họ" và nhóm này vẫn đang bị tấn công vào sáng ngày 7/3. M23 đã phản ứng "để tự vệ". Trong khi đó, về phía chính quyền CHDC Congo, phát ngôn viên của quân đội nước này ở Bắc Kivu, trung tá Guillaume Ndjike tố cáo "lần vi phạm thứ 11 của M23 không chỉ đối với lệnh ngừng bắn mà còn đối với luật nhân đạo quốc tế". Theo ông Ndjike, các phát súng nhằm vào vị trí căn cứ của Phái bộ của Liên hợp quốc tại CHDC Congo (Monusco) và vào đội quân Burundi vừa được triển khai trong lực lượng khu vực của Cộng đồng Đông Phi (EAC).
Trước đó, ngày 3/3, tại Luanda, sau nhiều lần lệnh ngừng bắn bị hủy bỏ, Tổng thống Angola João Lourenco, người được Liên minh châu Phi (AU) chỉ định làm trung gian hòa giải trong cuộc khủng hoảng chính trị ở CHDC Congo, đã công bố lệnh ngừng bắn mới nhất sẽ có hiệu lực từ trưa 7/3 khi M23 ngừng mọi hoạt động quân sự.
Mặc dù tiếp tục giành được những bước tiến trên thực địa, nhưng M23 trước đó trong một thông cáo báo chí đã khẳng định việc sẽ thực hiện lệnh ngừng bắn nêu trên nhằm mở đường cho cuộc đối thoại trực tiếp với Chính phủ CHDC Congo. Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres hôm 6/3 đã kêu gọi M23 tôn trọng lệnh ngừng bắn mới nhất này để tạo điều kiện cho LHQ rút hoàn toàn lực lượng khỏi tất cả các khu vực bị chiếm đóng ở phía Đông nước này.