Tại phiên họp thường kỳ lần thứ 14 tại Djibouti ngày 12/6, các thành viên IGAD đã thông qua sáng kiến, trong đó có lộ trình nhằm tháo gỡ tình hình giao tranh hiện nay tại Sudan. Lộ trình bao gồm việc thành lập một ủy ban gồm đại diện của 4 nước, do Kenya làm chủ tịch, để theo dõi tình hình Sudan, sắp xếp các cuộc gặp trực tiếp giữa hai phe phái đối địch tại nước này và khởi xướng một quá trình toàn diện hướng tới giải pháp chính trị cho cuộc xung đột Sudan trong vòng 3 tuần.
Tuy nhiên, sau đó 1 ngày, Bộ Ngoại giao Sudan đã ra tuyên bố phản đối việc cử Kenya giữ vai trò Chủ tịch ủy ban trên (gồm cả Ethiopia, Djibouti và Nam Sudan). Bộ này đề nghị Tổng thống Nam Sudan Salva Kiir Mayardit đảm đương cương vị chủ tịch.
Theo Bộ Ngoại giao Sudan, phái đoàn của nước này tham dự phiên họp đã bày tỏ sự bất đồng và phản đối một số đoạn trong thông cáo cuối cùng do những đoạn này "chưa được thảo luận hoặc thống nhất tại phiên họp".
Cùng ngày, Lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF) bán quân sự cũng đã phản đối việc tổ chức các diễn đàn để tìm kiếm một giải pháp chính trị, đồng thời kêu gọi hợp nhất sáng kiến này với sáng kiến do Saudi Arabia và Mỹ đóng vai trò trung gian. Cố vấn chính trị của chỉ huy RSF Youssef Izzat cho biết RSF coi sáng kiến của Saudi Arabia và Mỹ là diễn đàn để thảo luận các vấn đề ngừng bắn và giải pháp chính trị lâu dài.
Trước đó, phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh IGAD, Chủ tịch Ủy ban Liên minh châu Phi (AU) Moussa Faki Mahamat cảnh báo nếu xung đột tại Sudan không chấm dứt ngay lập tức, một cuộc nội chiến sẽ nổ ra, hỗn loạn sẽ lan rộng và quốc gia Bắc Phi này sẽ hoàn toàn sụp đổ. Chủ tịch AU nhấn mạnh liên minh này khuyến khích một cuộc đối thoại toàn diện cấp quốc gia, do chính người Sudan dẫn dắt.
Theo số liệu cập nhật của Hiệp hội Bác sĩ Sudan, cuộc giao tranh giữa quân đội Sudan và RSF tại thủ đô Khartoum và nhiều khu vực khác từ ngày 15/4 đến nay đã khiến 863 người thiệt mạng, hơn 3.530 người bị thương. Trong khi đó, Liên hợp quốc cho biết ít nhất 1,6 triệu người đã phải sơ tán ở trong và ngoài Sudan.