Trong bài phát biểu dài 4 trang của mình, Giáo hoàng Francis dành 1/3 để đề cập lĩnh vực giáo dục, trong đó nhấn mạnh rằng chi tiêu dành cho giáo dục và đào tạo đã bị cắt giảm "đáng kể" trên phạm vi toàn cầu, trong khi chi tiêu dành cho quân sự đã gia tăng so với khi kết thúc Chiến tranh Lạnh và "chắc chắn sẽ còn tăng phi mã".
Nhắn nhủ tới các nguyên thủ quốc gia và các tổ chức quốc tế, Giáo hoàng Francis cho rằng "đã đến lúc các chính phủ cần thay đổi chính sách phát triển kinh tế, theo đó đổi chỗ ngân sách dành cho giáo dục với các khoản chi để mua sắm khí tài". Ông nhấn mạnh: "Việc theo đuổi một lộ trình quốc tế thực sự về giải trừ quân bị sẽ có lợi cho sự phát triển của các quốc gia và dân tộc, các nguồn tài chính sẽ có ích hơn nếu được dành cho chăm sóc y tế, trường học, cơ sở hạ tầng, chăm sóc đất đai…”.
Thông điệp của Giáo hoàng Francis cũng kêu gọi cần phải cân bằng giữa nền kinh tế thị trường tự do với trách nhiệm giúp đỡ những người khó khăn và bảo vệ môi trường. Theo Giáo hoàng, cần giải trừ quân bị, cấm vũ khí hạt nhân. Ông cho rằng ngân sách dành cho quân sự cũng nên được san sẻ cho công tác điều phối công bằng vaccine ngừa COVID-19 và nghiên cứu để ngăn chặn các đại dịch trong tương lai. Giáo hoàng nêu rõ: "Bất chấp rất nhiều nỗ lực nhằm hướng tới đối thoại mang tính xây dựng giữa các quốc gia, chiến tranh và xung đột vẫn tiếp tục leo thang. Trong khi đó, đại dịch lây lan, tác động của biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường ngày càng trầm trọng, thảm kịch đói nghèo cũng gia tăng trên thế giới".