Tổng thống Mỹ Barack Obama dự kiến sẽ có chuyến công du tới châu Á vào cuối tháng 4 này, sau khi phải hủy bỏ một chuyến thăm tương tự hồi tháng 10 năm ngoái. Giới phân tích cho rằng chuyến đi của ông Obama lần này ngoài việc thắt chặt quan hệ với các đồng minh trong khu vực còn nhằm tái khẳng định chiến lược xoay trục sang châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ bấy lâu vẫn bị nghi ngờ.
Nối lại chuyến thăm
Theo thông cáo báo chí ngày 12/2 của Nhà Trắng, các chặng dừng chân của ông Obama sẽ bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia và Philippines. Thông cáo viết: “Chuyến công du này là một phần trong cam kết của Tổng thống về tăng cường quan hệ ngoại giao, kinh tế và hợp tác đảm bảo an ninh giữa Mỹ và các nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương”.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (trái) và người đồng cấp Hàn Quốc Yun Byung Se hội đàm tại Seoul ngày 13/2/2014.Kyodo/ TTXVN |
Tại Nhật Bản, ông Obama sẽ có cuộc gặp Thủ tướng Shinzo Abe để bàn về hai chủ đề trọng tâm là Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) và “một loạt các thách thức ở châu Á và trên toàn cầu”. Điều này cho thấy nghị trình chuyến thăm có thể sẽ bao gồm cả vấn đề tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc và Nhật Bản trên biển Hoa Đông. Sau Nhật Bản, Tổng thống Obama sẽ tới Hàn Quốc hội đàm với Tổng thống Park Geun-hye để tái khẳng định cam kết quan hệ đồng minh. Đồng thời hai bên cũng thảo luận những diễn biến gần đây trên bán đảo Triều Tiên và nỗ lực thúc đẩy phi hạt nhân hóa, cùng như bàn bạc các vấn đề liên quan đến thực hiện Hiệp định Thương mại Tự do Mỹ - Hàn.
Tại Malaysia, ông Obama sẽ có cuộc gặp Thủ tướng Najib Razak nhằm thắt chặt quan hệ ngoại giao, kinh tế và quốc phòng giữa Mỹ với quốc gia mà Washington gọi là “một đối tác quan trọng ở Đông Nam Á”.
Điểm dừng cuối cùng của Tổng thống Mỹ trong chuyến công du châu Á là quốc gia đồng minh Philippines, nơi ông và Tổng thống Benigno Aquino sẽ bàn về vấn đề “làm mới liên minh quốc phòng giữa hai nước” và nỗ lực mở rộng quan hệ kinh tế.
Kể từ năm 2009, ông Obama đã có hàng loạt chuyến thăm đến các quốc gia châu Á trên cương vị Tổng thống, trong đó có Trung Quốc. Năm 2011, ông tuyên bố Mỹ sẽ chuyển trọng tâm chính sách đối ngoại từ Trung Đông sang châu Á, cùng với việc tăng cường sự hiện diện của quân đội trong khu vực này. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của việc thiếu hụt ngân sách khiến chính phủ Mỹ phải đóng cửa một phần hồi tháng 10/2013, Tổng thống Obama đã phải hủy chuyến công du tới châu Á, khiến một số đồng minh không khỏi nghi ngờ tuyên bố “xoay trục” của Washington.
Luôn cam kết với châu Á
Thông báo của Nhà Trắng đưa ra ngay khi Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đang có mặt ở châu Á trong một chuyến công du kéo dài 6 ngày, dù được đánh giá là "không có nhiều cam kết cụ thể". Ngay khi chuyến thăm kết thúc, ngày 17/2, hai quan chức hàng đầu trong nội các Mỹ là Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel và Bộ trưởng Thương mại Penny Fritzker ngày 17/2 đã có bài viết đăng trên "Nhật báo Phố Wall" với tựa đề "Mỹ luôn cam kết với châu Á", trong đó khẳng định Washington sẽ tiếp tục thúc đẩy thịnh vượng, hợp tác để đảm bảo an ninh trong khu vực.
Hai vị bộ trưởng nhận định trong nhiều thập kỷ qua, khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã có sự phát triển mạnh. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đáng kinh ngạc đã làm thay đổi bộ mặt của các quốc gia giáp Thái Bình Dương và giúp hàng triệu người thoát khỏi đói nghèo. Bộ Quốc phòng và Bộ Thương mại Mỹ đang hợp tác chặt chẽ với các nước để giúp sự phát triển đi theo đúng hướng. Các nỗ lực này là đặc biệt quan trọng bởi khu vực châu Á-Thái Bình Dương đang phải đối mặt với những hận thù và tranh chấp lịch sử, làm gia tăng căng thẳng, bất ổn và có nguy cơ tạo ra một cuộc xung đột rộng lớn hơn.
Theo ông Chuck Hagel và bà Penny Fritzker, thứ nhất, Mỹ cần phải hành động để thúc đẩy việc đặt ra các nguyên tắc chung và các quy tắc hợp lý cả trong lĩnh vực an ninh và kinh tế. Trong lĩnh vực kinh tế và thương mại, điều này đồng nghĩa với việc phải kết thúc đàm phán về TPP với các nước trong khu vực. Trong lĩnh vực an ninh, cần phải tạo ra một không gian mà các lực lượng quân sự Mỹ có thể liên lạc tốt hơn, vượt qua được các vấn đề khó khăn và hợp tác trên cơ sở lợi ích chung. Mỹ đã bắt đầu làm việc với các quốc gia trong khu vực, trong đó có Trung Quốc, để thúc đẩy sự minh bạch và tạo ra những quy tắc rõ ràng trong các lĩnh vực thiết yếu như đi lại trên biển, trên không, vấn đề không gian, an ninh mạng và Bộ Quy tắc Ứng xử của các bên ở Biển Đông.
Thứ hai, các quốc gia Thái Bình Dương phải tiếp tục hợp tác với nhau khi xảy ra thảm họa. Thứ ba, Mỹ cần tiếp tục xây dựng các mối quan hệ hợp tác về an ninh-quốc phòng. Điều này sẽ không chỉ giúp đảm bảo an ninh mà còn giúp tạo ra các cơ hội kinh tế mới.
“Đi trên dây”
Việc chính phủ Mỹ phải “cố” chứng tỏ mối quan tâm tới khu vực châu Á – Thái Bình Dương không hề giảm sút trong chính sách đối ngoại của mình đặt Washington trước thách thức phải cùng lúc “chiều lòng” tất cả các đồng minh cũng như đối tác quan trọng trong khu vực. "Thời báo Tài chính" (Anh) nhận định: Thực hiện chuyến công du đầy tham vọng tới châu Á trong bối cảnh căng thẳng đang leo thang ở khu vực, Ngoại trưởng Mỹ Kerry chắc chắn phải "đi trên dây" để tránh làm mất lòng những đối thủ cạnh tranh trực tiếp. Ông vừa phải đảm bảo với các đồng minh thân cận về một siêu cường Mỹ "thường trú ở châu Á-Thái Bình Dương", vừa phải tăng cường can dự với Trung Quốc để cùng giải quyết những vấn đề toàn cầu, mà một trong những trọng tâm là Triều Tiên.
Khi mới nhậm chức Ngoại trưởng Mỹ, ông Kerry đã nhận được lời nhắn ngắn gọn từ Tổng thống Obama rằng "Hillary (người tiền nhiệm của ông Kerry) đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, và chúng tôi giờ đây rất kỳ vọng vào ông. Hãy nhớ rằng trọng tâm của chúng ta là xoay trục sang châu Á". Tuy nhiên, suốt một năm đầu tiên chèo lái "con thuyền" đối ngoại Mỹ, dường như ông Kerry đã dồn hết tâm trí cho Trung Đông nhằm tái khởi động đàm phán hòa bình giữa Israel và Palestine, giải quyết vấn đề hạt nhân Iran... mà sao nhãng khu vực châu Á cũng có tầm quan trọng không kém. Sau chuyến thăm châu Á lần này, nhiều đồng minh của Mỹ trong bắt đầu nhìn nhận lại vấn đề. Ông Kerry dường như đã tiếp thêm sinh lực cho chiến lược xoay trục của Mỹ và “bộ khung” này đã bắt đầu "có thịt, có da".
Mặc dù vậy, các đồng minh của Mỹ vẫn không khỏi lo ngại về tương lai chính sách của Mỹ ở Đông Á - nơi đang bộc lộ ngày càng nhiều vấn đề nóng. Đó là một Triều Tiên vẫn khó đoán định, là tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc với Nhật Bản ở quần đảo Điếu Ngư/Senkaku, là mâu thuẫn giữa Trung Quốc và Hàn Quốc với Nhật Bản về lịch sử, là nguy cơ va chạm giữa Trung Quốc và Philippines ở Biển Đông. Thế nhưng, cả Nhật Bản và Hàn Quốc - hai đồng minh rất quan trọng của Mỹ - vẫn chưa thể chứng tỏ khả năng hợp tác để đối phó với mối đe dọa Triều Tiên và sự trỗi dậy về quân sự của Trung Quốc. Trong khi đó, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe lại khiến căng thẳng thêm leo thang khi quyết định thăm đền Yasukuni thờ cả tội phạm chiến tranh.
Chính vì vậy, tờ “Thời báo tài chính” nhận định khi bắt đầu chuyến công du châu Á, Ngoại trưởng Mỹ cũng hiểu rằng một chặng đường dài và đầy giông bão đang chờ đợi ông.
Thành Vinh (tổng hợp)