Giám đốc BioNTech phản đối ý tưởng bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine

Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, Giám đốc điều hành (CEO) công ty dược BioNTech của Đức, ông Ugur Sahin đã lên tiếng phản đối ý tưởng bỏ quyền sở hữu trí tuệ nhằm đẩy nhanh quá trình sản xuất vaccine ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Chú thích ảnh
Vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer/BioNTech. Ảnh: AFP/TTXVN

Phát biểu trong cuộc trao đổi với các phóng viên thuộc Hiệp hội báo chí nước ngoài (VAP) ở Đức ngày 28/4, ông Sahin cho rằng từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ không phải là cách đúng đắn để đẩy mạnh sản xuất vaccine ngừa COVID-19.

Ông Sahin khẳng định BioNTech đang đẩy mạnh sản xuất vaccine dựa trên sự hợp tác chặt chẽ với các đối tác tiềm năng được lựa chọn nhằm đảm bảo chất lượng vaccine, đồng thời cho biết công ty đang xem xét cấp giấy phép đặc biệt cho các nhà sản xuất được ủy quyền và việc sản xuất ở các đơn vị này có thể được thực hiện sớm nhất vào cuối năm nay.

CEO của BioNTech nhấn mạnh điều quan trọng là vaccine sản xuất tại Liên minh châu Âu (EU) phải được xuất khẩu sang các khu vực khác trên thế giới. Ông hy vọng vaccine của BioNTech hợp tác với hãng dược phẩm Fosun Pharma của Trung Quốc, sẽ được phê duyệt tại Trung Quốc chậm nhất vào tháng 6 tới.

* Cùng ngày 28/4, giới chức Đức thông báo biến thể có khả năng lây lan rất nhanh của virus SARS-CoV-2 phát hiện đầu tiên ở Ấn Độ đã lan đến thành phố Koln. Từ đầu năm 2021, thành phố này đã tiến hành xét nghiệm tất cả các mẫu dương tính với SARS-CoV-2 để nghiên cứu mức độ bùng phát và lây lan của các biến thể, trong đó đã phát hiện các biến thể ở Anh, Nam Phi và Brazil xuất hiện nhiều ở thành phố này.

Theo Viện Robert Koch (RKI), đây không phải lần đầu tiên biến thể ở Ấn Độ được ghi nhận trong các ca nhiễm tại Đức. Theo RKI, xét nghiệm ngẫu nhiên cho thấy đã có 22 ca nhiễm biến thể ở Ấn Độ, trong khi phần lớn là biến thể ở Anh. RKI cho biết có nhiều chỉ dấu cho thấy biến thể ở Ấn Độ có tốc độ lây nhiễm cao, song chưa phải là biến thể "đáng lo ngại". 

Theo nhà chức trách Đức, việc tiêm vaccine đã giúp làm giảm rõ rệt số người trên 80 tuổi tử vong vì COVID-19. Tính đến ngày 4/4, khoảng 75% trong tổng số khoảng 5,6 triệu người trên 80 tuổi đã được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine.

Trong khi đó, số ca mắc và tử vong vì COVID-19 ngày càng tăng ở độ tuổi trẻ hơn khiến giới chuyên môn và các chính trị gia kêu gọi nhanh chóng tiêm chủng cho người trẻ tuổi do họ là nhóm người năng động, đi lại và tiếp xúc nhiều, do vậy có nguy cơ lây nhiễm cao và sau đó lại truyền bệnh cho người khác. Số liệu của RKI cho thấy trong 7 ngày qua, chỉ số lây nhiễm trung bình ở lứa tuổi từ 10 - 14 đã tăng từ 200/100.000 người lên 230/100.000 người so với một tuần trước, trong khi nhóm tuổi từ 5 - 9 tuổi cũng tăng lên 220/100.000 người.

Phát biểu tại họp báo ngày 29/4, Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn thừa nhận chiến dịch tiêm phòng nhanh chóng đã rất hữu ích nhưng vẫn còn quá nhiều người đang phải điều trị tích cực. Theo bộ trưởng Spahn, số ca nhiễm dường như đang giảm, song chưa đủ để khẳng định rằng làn sóng thứ ba đã đạt đỉnh.

Mạnh Hùng - Bích Liên (TTXVN)
Anh đặt mua thêm 60 triệu liều vaccine Pfizer/BioNTech
Anh đặt mua thêm 60 triệu liều vaccine Pfizer/BioNTech

Ngày 28/4, Anh thông báo đã đặt mua thêm 60 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 của hãng Pfizer/BioNTech để phục vụ chương trình tiêm vaccine tăng cường nhằm bảo vệ những người dễ bị lây nhiễm nhất trong mùa đông tới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN