Kênh CNN (Mỹ) cho biết nhu cầu gia tăng, chi phí vận chuyển và phân bón tăng cao, thời tiết xấu khiến giá thành nhiều thực phẩm như ngô, đường, ca cao tăng. Điều này có thể khiến giá thực phẩm toàn cầu đi lên.
Nhà phân tích Michael Magdovitz tại công ty Rabobank (Hà Lan) nhận định: “Chúng tôi dự đoán giá thực phẩm tiếp tục duy trì ở mức cao ngất ngưởng”.
Trong năm 2021, chỉ số giá thực phẩm FAO đã tăng tới mức cao nhất của 10 năm. Những biến động xuất phát từ đại dịch như thiếu lao động đã đẩy giá thực phẩm khi nhu cầu tăng, đặc biệt là ở Trung Quốc. Ngoài ra thời tiết cực đoan như hạn hán, lũ lụt, còn khiến tình hình tồi tệ hơn.
Báo cáo cuối năm của Rabobank có nhấn mạnh giá cả nông sản đã tăng 28% trong năm 2020 và ở mức cao hơn 40% so với trước khi dịch COVID-19 bùng phát.
Theo dữ liệu từ công ty Refinitiv (Anh), hợp đồng ngô tương lai đã tăng 28% so với đầu năm nay, còn lúa mì tăng 24% và cà phê là trên 80%. Giá vận tải biển mặc dù gần đây đã giảm nhưng được cho là không đủ để thay đổi bức tranh toàn cảnh.
Đối với nông nghiệp, các nhà sản xuất không thể nhanh chóng đẩy mạnh nguồn cung bởi việc tăng đất trồng trọt hoặc nâng sản lượng nhanh chóng là khó khăn.
Một vấn đề khác là thời tiết ảnh hưởng đến mùa vụ. Hiện tượng La Nina đã xuất hiện ở Thái Bình Dương. Trong khi lũ quét, lạnh đột ngột hoặc hạn hán trong năm 2021 được cho có thể tái lặp lại vào năm tới.
Nhiều công ty còn đối mặt với tình trạng giá bao bì đắt đỏ, chi phí phân phối cao và lương tăng cho người lao động khiến sản phẩm khi đưa ra thị trường sẽ có mức giá cao hơn. Một số yếu tố này có thể được giảm nhẹ trong 12 tháng tới nhưng ở thời điểm này các nhà sản xuất dự đoán sẽ không có nhiều thay đổi. Những hãng lớn như Kraft Heinz và Mondelez đều tuyên bố kế hoạch nâng giá sản phẩm bán lẻ vào đầu năm 2022.