Gia tăng các vụ tấn công khủng bố tại Mali

Tình hình an ninh tại Mali ngày càng tồi tệ với các vụ tấn công khủng bố nhằm vào lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc (LHQ), các binh lính, các lực lượng quốc tế và cả dân thường không ngừng gia tăng.

Chú thích ảnh
Cảnh sát Mali tuần tra tại Bamako ngày 12/8/2018. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong báo cáo gửi Hội đồng Bảo an (HĐBA) ngày 5/3, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres cảnh báo bất chấp những nỗ lực của cộng đồng quốc tế, an ninh tại Mali vẫn tiếp tục diễn biến xấu do số vụ tấn công khủng bố tiếp tục gia tăng.

Các lực lượng cực đoan mở rộng phạm vi chống phá từ các địa phương miền Bắc tới miền Trung, đe dọa các nỗ lực thực thi thỏa thuận hòa bình ký năm 2015.

Báo cáo cho biết trong năm 2018, các lực lượng an ninh ghi nhận 237 vụ tấn công khủng bố, tăng so với 226 vụ của năm 2017 và 183 vụ xảy ra trong năm 2016. Theo thống kê, chỉ riêng trong tháng 1/2019 đã có ít nhất 10 binh sĩ gìn giữ hòa bình người CH Chad thiệt mạng trong vụ tấn công nhằm vào khu vực của LHQ ở thị trấn Kidal, miền Bắc Mali.

Các tay súng thành viên mạng lưới khủng bố quốc tế Al-Qaeda đã thừa nhận tiến hành vụ tấn công được coi là một trong những vụ việc đẫm máu nhất nhằm vào Phái bộ Gìn giữ hòa bình LHQ (MINUSMA) này. Trong vòng 6 tháng trở lại đây, các vụ tấn công đã cướp đi sinh mạng của 18 binh sĩ gìn giữ hòa bình và làm 77 người bị thương.

Tuy nhiên, Tổng Thư ký Guterres cũng nhấn mạnh tới những tiến bộ trong thực thi thỏa thuận hòa bình, khi có hơn 1.400 tay súng đã giao nộp vũ khí và bộ máy chính quyền địa phương đã được thành lập tại miền Bắc Mali.       

HĐBA LHQ dự kiến sẽ cử phái đoàn tới Mali trong tháng 3 này, tiến hành đánh giá tình hình thực địa trước khi có quyết định cuối cùng về việc có gia hạn sứ mệnh của MINUSMA, sẽ hết hạn vào tháng 6 tới. Phái bộ tại quốc gia Tây Phi này hiện gồm 14.000 binh sĩ.

Mali là một quốc gia thuộc khu vực Sahel của châu Phi vốn đang chịu nhiều bất ổn vì tình hình an ninh diễn biến phức tạp. Chính phủ Mali đang nỗ lực ổn đình tình hình đất nước sau khi các phần tử cực đoan có liên hệ với mạng lưới khủng bố Al-Qaeda giành quyền kiểm soát miền Bắc nước này hồi đầu năm 2012.

Nhờ sự hỗ trợ của quân đội Pháp, quân chính phủ Mali đã đẩy lùi được phiến quân Hồi giáo vào năm 2013. Đến năm 2015, Chính phủ Mali và các nhóm vũ trang ở nước này đã ký một thỏa thuận hòa bình nhằm khôi phục ổn định tại đây. Tuy nhiên, các vụ bạo lực vẫn tiếp diễn.

Minh Tâm (TTXVN)
Đấu súng dữ dội sau vụ đánh bom xe tại Somalia
Đấu súng dữ dội sau vụ đánh bom xe tại Somalia

Sáng 1/3, các vụ đọ súng đã xảy ra giữa các tay súng phiến quân và lực lượng an ninh ở thủ đô Mogadishu của Somalia.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN