Trạm nén khí đốt ở Morelmaison, miền Đông Pháp. Ảnh: AFP/TTXVN
Khi lượng dự trữ đang ở mức thấp nhất so với cùng kỳ các năm kể từ mùa Đông 2022, câu hỏi lớn đặt ra là: Liệu châu Âu có kịp bổ sung kho dự trữ trước mùa Đông tới?
Giá khí đốt tự nhiên trên Sàn giao dịch TTF (Hà Lan) đã tăng lên 59 euro/megawatt giờ trong phiên 11/2, mức cao nhất trong hai năm.
Mùa Đông năm nay kéo dài với nhiệt độ thấp hơn dự kiến, buộc các hộ gia đình và doanh nghiệp phải sử dụng nhiều khí đốt hơn để sưởi ấm.
Dữ liệu từ Gas Infrastructure Europe cho thấy, mức dự trữ trung bình trên toàn Liên minh châu Âu (EU) đã giảm xuống còn 48,48%, thấp hơn nhiều so với mức bình thường vào thời điểm này hàng năm.
Pháp, một quốc gia tiêu thụ năng lượng lớn, có tỷ lệ dự trữ thấp nhất trong khối, chỉ còn 29,85%. Anh và Ukraine, dù không thuộc Liên minh châu Âu (EU), còn ở tình trạng tệ hơn với mức dự trữ lần lượt là 25,73% và 9,33%. Ngược lại, Bồ Đào Nha đã dự trữ đầy kho, trong khi Thụy Điển và Tây Ban Nha có mức dự trữ khá hơn, lần lượt là 88% và 69%.
Thông thường, các nhà kinh doanh khí đốt sẽ bắt đầu bổ sung kho dự trữ vào mùa Xuân và mùa Hè khi nhu cầu thấp và giá cả phải chăng hơn. Nhưng năm nay, thị trường đang khiến chiến lược này trở nên tốn kém hơn.
Goldman Sachs ước tính rằng lượng nhập khẩu LNG cần phải cao hơn 8% so với dự kiến ban đầu nếu châu Âu muốn đưa mức dự trữ trở lại ít nhất 85% vào tháng 10. Dữ liệu nhập khẩu LNG của tháng 2/2025 cho thấy điều này là khả thi, nếu giá giữ ở mức gần 50 euro/megawatt giờ.
Tuy nhiên, rủi ro tăng giá khí đốt vẫn còn. Nếu nhu cầu khí đốt cho sản xuất điện vẫn mạnh bất thường hoặc nếu người mua châu Á tăng cường nhập khẩu LNG, giá ở châu Âu có thể tăng vọt hơn nữa, có thể lên tới 84 euro/megawatt giờ, cao hơn 68% so với dự báo cơ bản của Goldman Sachs.
Đức, nền kinh tế lớn nhất EU, đang xem xét các biện pháp khuyến khích tài chính để giúp các nhà cung cấp khí đốt bổ sung kho dự trữ.
Theo Bloomberg, Trading Hub Europe GmbH (THE), đơn vị giám sát thị trường khí đốt của Đức, đang thảo luận với các nhà hoạch định chính sách về một kế hoạch trợ cấp tiềm năng để khuyến khích tích trữ.
Động thái này là một phần trong nỗ lực rộng lớn hơn của EU nhằm đảm bảo an ninh năng lượng. Kể từ khi Nga cắt giảm nguồn cung khí đốt qua đường ống vào năm 2022, EU đã áp đặt các mục tiêu dự trữ nghiêm ngặt, yêu cầu các quốc gia thành viên lấp đầy kho dự trữ ít nhất 90% vào tháng 11/2024. Các biện pháp này sẽ hết hạn vào cuối năm 2025, nhưng Ủy ban châu Âu có khả năng đề xuất gia hạn.