Trong văn bản vừa ban hành, chính quyền Phnom Penh cho biết vì yêu cầu khẩn cấp phòng chống dịch COVID-19 lây lan nên từ 0h ngày 24/7 đến ngày 6/8, các trường học tiếp tục đóng cửa; quán karaoke, massage, sàn nhảy, vườn bia, sòng bạc, khu nghỉ dưỡng, bảo tàng, công viên giải trí, rạp chiếu phim, nhà hát, phòng gym và trung tâm thể thao vẫn phải tạm ngừng hoạt động.
Bên cạnh các loại hình kinh doanh trên, chính quyền có thể sẽ quyết định tạm ngừng một số hoạt động khác tùy theo diễn biến dịch COVID-19 trên địa bàn và phù hợp với yêu cầu phòng chống dịch.
Quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh số ca mắc mới tại Campuchia vẫn tăng mỗi ngày hơn 800 ca trong vài tuần trở lại đây và thủ đô Phnom Penh liên tục cảnh báo dịch tại nhiều ngôi chùa và các cơ sở dịch vụ, nhà hàng cho dù đa số người dân ở đây đã tiêm phòng COVID-19.
Ngày 24/7, Bộ Y tế Campuchia ra thông cáo xác nhận có 32 người tử vong và 860 ca nhiễm trong 24 giờ qua, trong đó có tới 395 ca nhập cảnh và là ngày có số ca nhập cảnh mắc COVID-19 cao thứ hai kể từ trước đến nay tại Campuchia. Tính đến hôm nay, Campuchia phát hiện tổng cộng 72.104 ca mắc COVID-19, trong đó 64.548 người đã khỏi bệnh và 1.254 người tử vong.
Trước đó, tại buổi lễ đón nhận lô vaccine viện trợ đợt đầu từ Nhật Bản (332.000 liều AstraZeneca) tối 23/7 tại Sân bay Quốc tế Phnom Penh, Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen khẳng định mục tiêu của nước này là tiêm phòng COVID-19 cho khoảng 80% dân số (Campuchia có khoảng 16 triệu dân). Theo ông Hun Sen, với 10 triệu người trưởng thành được tiêm phòng trong chiến dịch quốc gia dự kiến kết thúc vào tháng 10/2021 và 2 triệu thanh thiếu niên từ 12-17 tuổi sẽ được tiêm phòng bắt đầu từ ngày 1/8 tới, tỷ lệ tiêm phòng của Campuchia sẽ đạt 75%. Nếu 13 triệu người được tiêm phòng, tỷ lệ này sẽ tăng lên 81,5% và Campuchia sẽ tìm mọi cách để tiêm phòng cho mọi người dân Campuchia trong độ tuổi được phép tiêm vaccine ngừa COVID-19.
Cùng ngày, Bộ Y tế Lào cho biết trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 278 ca mắc COVID-19 mới đều là người nhập cảnh được cách ly ngay. Như vậy, số ca nhiễm mới được ghi nhận tại Lào tiếp tục tăng cao nhất từ trước tới nay.
Theo phóng viên TTXVN tại Lào, tỉnh Champasak là nơi ghi nhận số người nhập cảnh nhiễm mới tăng cao kể từ cuối tháng 6; chủ yếu là người lao động nước này về nước để tránh làn sóng dịch nghiêm trọng đang xảy ra ở Thái Lan. Trước tình hình trên, Ủy ban chuyên trách phòng chống dịch của tỉnh đã yêu cầu xét nghiệm lại toàn bộ người trong các trung tâm cách ly trên toàn tỉnh để đảm bảo không bỏ sót trường hợp dương tính; yêu cầu cán bộ chức năng trong các khu cách ly cũng phải chấp hành các quy định dịch tễ như người nhập cảnh, bao gồm việc cách ly 14 ngày sau khi hoàn thành nhiệm vụ. Tỉnh cũng yêu cầu công khai thông tin khu vực có dịch, trường hợp tiếp xúc gần với ca bệnh để các địa phương có cơ sở ứng phó và triển khai các biện pháp phòng dịch phù hợp.
Trước nguy cơ lây lan dịch từ tỉnh láng giềng Champasak, chính quyền tỉnh Attapeu – nơi đến nay chưa ghi nhận ca lây nhiễm trong cộng đồng vừa có quyết định sẽ phong tỏa toàn tỉnh và yêu cầu ngừng việc ra vào tỉnh, ngoại trừ trường hợp đặc biệt.
Lo ngại nguy cơ xâm nhập của biến thể Delta thông qua người nhập cảnh bất hợp pháp, Bộ Y tế Lào tiếp tục kêu gọi người lao động nước này ở Thái Lan nên trở về nước bằng đường chính ngạch để được kiểm tra y tế và cách ly theo qui định tránh lây nhiễm dịch bệnh cho người thân cũng như cộng đồng.
Đến nay, Lào đã ghi nhận tổng cộng 4.620 ca nhiễm và 5 ca tử vong.