Giá dầu ăn tăng cao kỷ lục vì khủng hoảng Ukraine

Giá dầu ăn, vốn được sử dụng trong hàng nghìn sản phẩm từ bơ thực vật đến mì ăn liền, đang phi mã đến nỗi có thể “thiêu đốt” ví tiền của người tiêu dùng. 

Chú thích ảnh
Giá của bốn loại dầu ăn chính đều tăng vọt, khiến người tiêu dùng phải mua sắm hàng hoá với chi phí cao hơn. Ảnh: Reuters

Từ dầu thô đến ngũ cốc và dầu ăn, các mặt hàng tiêu dùng đang hứng chịu một cơn “rung chấn” từ cuộc khủng hoảng tại Ukraine hiện nay, cùng với một loạt lệnh trừng phạt sâu rộng của Mỹ và châu Âu nhằm vào Nga. 

Các bến cảng của Ukraine bị đóng cửa khiến giao thông và hậu cần bị cắt đứt. Ukraine và Nga không chỉ là những nhà cung cấp lúa mì, ngô và lúa mạch lớn nhất thế giới mà còn xuất khẩu hơn 75% lượng dầu hướng dương trên toàn cầu.

Dầu hướng dương là một trong bốn loại dầu ăn được sử dụng nhiều hàng đầu thế giới. Điều đó đã khiến thị trường dầu ăn bị siết chặt hơn, cũng như đẩy giá dầu cọ và dầu đậu nành lên mức kỷ lục.

Ông Anilkumar Bagani, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu của công ty tư vấn Sunvin Group có trụ sở tại Mumbai, cho biết: “Dòng chảy xuất khẩu dầu hướng dương từ Biển Đen đang bế tắc còn các nhà máy nghiền ở Ukraine đang ngừng hoạt động”. 

Theo ông, tình trạng này sẽ tạo ra một khoảng trống lớn trong nguồn cung dầu thực vật toàn cầu.
Khoảng trống đó sẽ không dễ dàng được lấp đầy vì các nhà cung cấp hạt có dầu và dầu ăn khác cũng đang phải đối mặt với các vấn đề của riêng họ.

Hạn hán đã khiến vụ mùa cải dầu ở Canada bị thâm hụt vào năm ngoái, và làm giảm sản lượng đậu tương ở Brazil và Argentina. Malaysia đang bị thiếu hụt công nhân đồn điền và Indonesia đã hạn chế xuất khẩu dầu cọ để đảm bảo nguồn cung nội địa của mình.

Do đó, giá của bốn loại dầu chính (cọ, đậu nành, hạt cải dầu và hướng dương) đã tăng vọt và giáng tác động xuống người tiêu dùng dưới dạng chi phí cao hơn cho mọi mặt hàng, từ kẹo đến dầu gội đầu tại các cửa hàng địa phương.

Giá dầu cọ, chiếm khoảng 1/3 nguồn cung toàn cầu, đã tăng hơn gấp đôi kể từ giữa tháng 6 năm ngoái, trong khi dầu đậu nành tăng khoảng 50%. Dầu hướng dương từ Ukraine cũng tăng khoảng 50%. Và dầu hạt cải cũng vậy.

Hiện chưa có dấu hiệu cho thấy cuộc khủng hoảng Ukraine - Nga sẽ chiến lắng dịu nên các nhà nhập khẩu đang đua nhau tìm nguồn cung thay thế. Trung Quốc đã ban hành lệnh ưu tiên an ninh hàng hóa và chỉ đạo các công ty quốc doanh lùng sục nguồn nguyên liệu thô. Nước này cũng đang “xả” kho dự trữ dầu ăn và đậu nành trên thị trường nội địa để hạ nhiệt giá.

Là nước nhập khẩu dầu ăn hàng đầu, Ấn Độ và các nước Trung Đông đang gặp rủi ro khi tháng lễ Ramadan đến gần. Ấn Độ nhập khẩu khoảng 60% nhu cầu tiêu thụ dầu ăn và giá thực phẩm ở quốc gia này đã tăng với tốc độ nhanh nhất trong 14 tháng.

Ngoài ra, tình trạng suy giảm nguồn cung có thể khiến nhiều quốc gia sản xuất dầu ăn hạn chế xuất khẩu để bảo vệ an ninh lương thực của chính họ và kiểm soát lạm phát.

Trả lời hãng tin Bloomberg, bà Khor Yu Leng, chuyên gia kinh tế tại hãng tư ấn Segi Enam Advisors, nhận định: “Người tiêu dùng phải đối mặt với giá cả tăng cao. Và có khả năng xảy ra nhiều vấn đề về nguồn cung hơn nữa”.

Các nhà phân tích cho rằng trong thời gian tới, không riêng giá năng lượng và giá dầu ăn, giá thực phẩm cũng sẽ tăng nhanh trong bối cảnh xung đột tiếp diễn tại Ukraine, nhà xuất khẩu lúa mì lớn trên thế giới.

Xuân Chi/Báo Tin tư·
Đây là điều kiện để Mỹ dỡ bỏ lệnh trừng phạt Nga do hoạt động quân sự ở Ukraine
Đây là điều kiện để Mỹ dỡ bỏ lệnh trừng phạt Nga do hoạt động quân sự ở Ukraine

Các lệnh trừng phạt đối với Nga sẽ được dỡ bỏ nếu hoạt động quân sự ở Ukraine dừng lại.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN