Gay cấn cuộc chiến ngoại giao về Xyri

Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) cuối ngày 16/2 (sáng 17/2 giờ VN) dự kiến tiến hành bỏ phiếu về dự thảo nghị quyết về Xyri. Dự thảo này có nội dung tương tự như văn kiện đã bị Nga và Trung Quốc dùng quyền phủ quyết bác bỏ tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an LHQ hôm 4/2.

Xung đột ở thành phố Homs ngày 15/2. Ảnh: AFP/ TTXVN


Trả lời phỏng vấn sau khi vừa tới thủ đô Viên (Áo) để tham gia cuộc bỏ phiếu, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon kêu gọi các bên ở Xyri ngay lập tức chấm dứt cuộc xung đột, đồng thời đề nghị cộng đồng quốc tế tìm ra một giải pháp chung nhằm chấm dứt cuộc xung đột ở nước này.

Trong khi đó, ngày 16/2, hãng thông tấn Interfax cho biết Nga sẽ không ủng hộ bản dự thảo nghị quyết sẽ được ĐHĐ LHQ tiến hành biểu quyết, trong đó kêu gọi Tổng thống Xyri Bashar al-Assad ngừng các vụ tấn công gây thương vong nhằm vào dân thường. Hãng Interfax dẫn một nguồn thạo tin cho biết "với hình thức hiện nay, bản dự thảo nghị quyết này thiếu cân xứng và không tính đến lập trường của Nga".

Một ngày trước khi dự thảo nghị quyết về Xyri được ĐHĐ LHQ bỏ phiếu, Nga đã chính thức đề nghị sửa đổi một số điểm trong văn kiện này. Một trong những điểm Mátxcơva muốn sửa đổi có liên quan đến điều khoản yêu cầu Tổng thống Xyri Bashar al-Assad phải chuyển giao quyền lực cho cấp phó. Nga khẳng định phản đối mọi sự thay đổi chế độ tại Xyri do sức ép từ bên ngoài. Điểm cần sửa đổi thứ hai là phải gắn kế hoạch rút quân đội Xyri về các doanh trại với việc ngừng chiến dịch tấn công của các nhóm vũ trang tại Xyri. Nga mong muốn dự thảo nghị quyết về Xyri phải đề cập rõ vai trò của phe đối lập trong việc kích động làn sóng bạo loạn kéo dài 11 tháng qua tại quốc gia Trung Đông này; đồng thời yêu cầu phe đối lập tại Xyri phải tự tách khỏi các nhóm vũ trang có liên quan đến các hoạt động bạo lực cũng như không được cáo buộc chính phủ Xyri đàn áp dân thường.

Liên đoàn Arập (AL) - với vai trò là tổ chức chịu trách nhiệm chính về dự thảo nghị quyết Xyri tại ĐHĐ LHQ - đã lập tức bác bỏ những đề xuất sửa đổi của Nga.
Cũng trong ngày 16/2, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung quốc Lưu Vi Dân cho biết nước này sẽ cử Thứ trưởng Ngoại giao Trạch Tuyển tới Xyri từ ngày 17 - 18/2 nhằm thúc đẩy “giải pháp hòa bình" cho cuộc xung đột ở quốc gia Trung Đông này. Hãng tin Tân Hoa xã dẫn lời ông Lưu nói rằng Thứ trưởng Ngoại giao Trạch Tuyển "sẽ trao đổi quan điểm với chính phủ Xyri và các đảng phái liên quan ở nước này về tình hình hiện nay nhằm thúc đẩy giải pháp hòa bình, thích hợp cho cuộc khủng hoảng tại Xyri".

Trong một cuộc họp báo diễn ra cùng ngày, Thứ trưởng Ngoại giao Trạch Tuyển khẳng định Trung Quốc không tán thành sự can thiệp quân sự hoặc ép buộc "thay đổi chế độ" ở Xyri. Ông Trạch Tuyển nhấn mạnh: "Trung Quốc lên án tất cả các hành động bạo lực chống lại dân thường Xyri. Chúng tôi kêu gọi chính phủ Xyri và tất cả các đảng phái chính trị tại nước này ngay lập tức chấm dứt mọi hành động bạo lực và nhanh chóng khôi phục lại sự ổn định và trật tự xã hội".

Tờ "Nhân dân Nhật báo" - cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) - số ra ngày 16/2 cũng nhận định việc các thế lực nước ngoài can thiệp vào vấn đề Xyri có nguy cơ gây thêm đổ máu và mất ổn định ở khu vực Trung Đông và tình trạng này có thể gây chấn động các thị trường và làm chệch hướng nền kinh tế toàn cầu đang yếu kém hiện nay.

Liên quan đến vấn đề Xyri, Mỹ và phe đối lập tại Xyri ngày 16/2 đã lên tiếng phản đối kế hoạch tiến hành trưng cầu ý dân về dự thảo hiến pháp mới của Tổng thống Assad.

Tổng thống Assad đã ký sắc lệnh ấn định ngày 26/2 là thời điểm tiến hành trưng cầu ý dân về dự thảo hiến pháp mới. Dự thảo do Ủy ban gồm 29 thành viên biên soạn, quy định hệ thống chính trị tại Xyri sẽ dựa trên nền tảng bầu cử, thay vì tôn giáo, bộ tộc hay phe phái. Dự thảo cũng quy định rõ thời hạn nhiệm kỳ tổng thống là 7 năm và tổng thống không được tại nhiệm quá 2 nhiệm kỳ liên tiếp. Ngoài ra, dự thảo hiến pháp mới cũng xóa bỏ Điều 8, vốn xác định vai trò của đảng Baath cầm quyền trong nửa thế kỷ qua. Dự kiến Xyri sẽ tiến hành bầu cử Quốc hội trong vòng 90 ngày sau khi hiến pháp mới được phê chuẩn.

Hồng Hạnh (Tổng hợp)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN