Gần 50 nước lên tiếng về việc Nga dùng ‘tên lửa Triều Tiên’ tấn công Ukraine; Mỹ đưa vấn đề ra HĐBA

Mỹ và các đối tác của mình đã ra tuyên bố chung về cái mà họ gọi là việc Nga mua tên lửa đạn đạo của Triều Tiên và việc Moskva sử dụng chúng để chống lại Ukraine vào ngày 30/12/2023 và ngày 2/1/2024. Washington cho biết sẽ nêu vấn đề ra Hội đồng Bảo an (HĐBA) Liên hợp quốc vào hôm nay (10/1).

Chú thích ảnh
Người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ John Kirby phát biểu tại cuộc họp báo ở Washington, D.C., ngày 13/2/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Hãng tin Reuters của Anh ngày 10/1 cho biết Mỹ, Anh, Liên minh châu Âu (EU), Australia, Đức, Canada và gần 40 quốc gia đối tác khác ngày 9/1 đã ký tuyên bố chung về cái mà họ gọi là việc Nga mua tên lửa đạn đạo của Triều Tiên và việc Moskva sử dụng chúng để chống lại Ukraine vào ngày 30/12/2023 và ngày 2/1/2024.

Tuyên bố chung bày tỏ quan ngại sâu sắc về những tác động an ninh mà sự hợp tác nêu trên giữa Moskva và Bình Nhưỡng gây ra ở châu Âu, trên Bán đảo Triều Tiên, tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và đối với toàn thế giới.

Tuyên bố chung nêu rõ: “Chúng tôi chỉ trích ở mức độ cao nhất có thể việc (Triều Tiên) xuất khẩu và Nga mua tên lửa đạn đạo (của Triều Tiên) cũng như việc Nga sử dụng những quả tên lửa đó để chống lại Ukraine vào ngày 30/12/2023 và ngày 2/1/2024".

Tờ Kyiv Independent ngày 10/1 cho biết thêm tuyên bố chung của 48 quốc gia phương Tây và EU được đưa ra khi người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby hôm 9/1 cho biết Nga đã bắn thêm vũ khí như vậy vào Ukraine, trong đó có một quả tên lửa rơi xuống ở Kharkiv vào ngày 6/1.

Xem video hiện trường và mảnh vỡ tên lửa do Nga sử dụng tấn công tỉnh Kharkov ngày 2/1/2024. Nguồn: Reuters

Về phía Nga, khi được phóng viên hỏi về những cáo buộc nêu trên, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm 9/1 cho biết ông "không bình luận" gì.

Trước đó vào ngày 23/12/2023, hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) dẫn thông báo của Bộ Ngoại giao nước này gọi cáo buộc Triều Tiên cung cấp đạn dược cho Nga là vô căn cứ.

Theo Reuters, Triều Tiên đã bị Liên hợp quốc cấm vận vũ khí kể từ khi nước này thử bom hạt nhân lần đầu tiên vào năm 2006.

Các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc - được thông qua với sự ủng hộ của Nga - cấm các nước buôn bán vũ khí hoặc thiết bị quân sự khác với Triều Tiên.

Tuy nhiên, vào hôm 4/1, người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby cáo buộc Triều Tiên gần đây đã cung cấp cho Nga tên lửa đạn đạo và bệ phóng. Nga đã sử dụng chúng trong cuộc chiến với Ukraine.

Tiếp đó, vào ngày 9/1, ông Kirby cho biết Washington sẽ nêu thỏa thuận vũ khí giữa Nga và Triều Tiên tại Hội đồng An ninh Liên hợp quốc vào thứ Tư (10/1) và yêu cầu "Nga phải chịu trách nhiệm".

Chú thích ảnh
Hiện trường và mảnh vỡ tên lửa do Nga sử dụng tấn công tỉnh Kharkov ngày 2/1/2024. Ảnh cắt từ clip của hãng tin Reuters.

Theo tờ Kyiv Independent ngày 10/1, vào hôm 30/12/2023, các lực lượng Nga được cho là đã phóng ít nhất một trong số các tên lửa do Triều Tiên cung cấp vào Ukraine và một trong số đó đã rơi xuống một bãi đất trống ở Zaporizhzhia.

Còn vào ngày 2/1, Nga đã sử dụng tên lửa đạn đạo của Triều Tiên để tấn công Ukraine, khiến 5 người thiệt mạng và 130 người khác bị thương.

Đây là một trong những cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái lớn nhất kể từ khi xung đột Nga – Ukraine bùng nổ vào tháng 2/2022.

Thành Nam/Báo Tin tức
Phản ứng của Nga và Trung Quốc về cáo buộc Triều Tiên cung cấp tên lửa cho Moskva
Phản ứng của Nga và Trung Quốc về cáo buộc Triều Tiên cung cấp tên lửa cho Moskva

Trước cáo buộc của Mỹ rằng Triều Tiên cung cấp tên lửa cho Nga sử dụng để tấn công Ukraine, Thư ký báo chí của Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin, ông Dmitry Peskov đã lên tiếng. Trước đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng trả lời câu hỏi liên quan của phóng viên.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN