Trong tuyên bố đưa ra ngày 12/9, Ủy ban chữ Thập đỏ Quốc tế (ICRC) cho biết khoảng 60% trong số này là trẻ em vào thời điểm mất tích, đồng nghĩa hàng nghìn cha mẹ không biết hiện con em mình đang ở đâu và số phận của những trẻ em này. Một số gia đình bị chia cắt trong lúc chạy trốn khỏi các cuộc tấn công, trong khi những gia đình khác có người thân bị bắt cóc hoặc bắt giữ.
Tuyên bố cũng khẳng định ICRC sẽ hợp tác với Tổ chức Chữ Thập đỏ Nigeria và Tổ chức Chữ Thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ trong khu vực để tìm kiếm những người mất tích. Cho tới nay đã có 367 trường hợp đã được giải quyết kể từ khi ICRC nhận được báo cáo về các trường hợp đầu tiên hồi năm 2013. ICRC cũng nhấn mạnh việc tìm được người mất tích và giúp họ đoàn tụ với gia đình là một thách thức lớn.
Phát biểu khi kết thúc chuyến thăm 5 ngày tới Nigeria, Chủ tịch ICRC Peter Maurer chia sẻ: "Ác mộng tồi tệ nhất của cha mẹ là không biết con mình ở đâu. Đây là một bi kịch đối với hàng nghìn cha mẹ Nigeria, buộc họ không ngừng tìm kiếm con em mình trong đau khổ". Ông nhấn mạnh mọi người dần đều có quyền nắm được số phận của người thân, và cần phải nỗ lực hơn nữa để đảm bảo các gia đình không bị chia tách.
Trước đó, trong chuyến thăm, ông Maurer cũng đã gặp Tổng thống Nigeria Muhammadu Buhari. Ông cũng thăm hỏi các gia đình chịu ảnh hưởng do cuộc xung đột ở các thành phố Maiduguri và Monguno, Đông Bắc Nigeria.
Từ năm 2009, phiến quân Boko Haram đã tiến hành các hoạt động chống phá tại khu vực Đông Bắc Nigeria với âm mưu thiết lập cái gọi là một nhà nước Hồi giáo, sau đó mở rộng địa bàn hoạt động sang các nước láng giềng Niger, Cameroon và Chad. Nhóm này thường sử dụng những kẻ đánh bom tự sát là phụ nữ và bé gái tấn công vào các địa điểm không được bảo vệ nghiêm ngặt như đền thờ, chợ hay bến xe buýt.
Bạo lực liên quan đến Boko Haram khiến khoảng 27.000 người thiệt mạng và hơn 2 triệu người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn, gây ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo trầm trọng trong khu vực. Ngoài việc tiến hành hàng loạt vụ tấn công nhằm vào binh sĩ và dân thường, Boko Haram còn bắt cóc hàng nghìn phụ nữ và bé gái cũng như nam giới để ép gia nhập hàng ngũ của chúng.