Quốc kỳ các nước tham dự Hội nghị G7. Ảnh: AFP/TTXVN |
Hội nghị tập trung thảo luận về việc thúc đẩy đầu tư vào sản xuất, cơ sở hạ tầng và công nghệ; nhằm đảm bảo nguồn cung năng lượng ổn định.
Diễn ra trong bối cảnh các công ty năng lượng tỏ ra do dự trước việc đầu tư vào phát triển dầu mỏ và khí đốt do giá dầu thấp gây khó khăn trong việc khai thác lợi nhuận từ các dự án phát triển; Hội nghị sẽ bàn hướng giải quyết các mối quan ngại về việc giảm chi tiêu trong các dự án phát triển có thể dẫn tới sụt giảm nguồn cung và làm giá nhiên liệu tăng lên trong tương lai.
Chủ trì hội nghị, Bộ trưởng Năng lượng Nhật Bản Motoo Hayashi đã có hàng loạt cuộc gặp song phương trong ngày 1/5 trước khi hội nghị diễn ra. Tại cuộc gặp Bộ trưởng Tài nguyên Thiên nhiên Canada James Carr, ông Hayashi đã kêu gọi quốc gia giàu tài nguyên ở khu vực Bắc Mỹ này thúc đẩy đầu tư vào dầu mỏ và khí đốt. Tuy nhiên, Bộ trưởng Carr chỉ cho biết Canada sẽ đóng góp vào an ninh năng lượng toàn cầu. Trong khi đó, Ủy viên châu Âu phụ trách vấn đề Năng lượng và Biến đổi khí hậu Miguel Arias Canete đã nhất trí trong cuộc gặp riêng rẽ với ông Hayashi về tầm quan trọng của việc đầu tư vào các dự án phát triển trên, dù các doanh nghiệp có thể đối mặt với việc bị lỗ.
Trong ngày họp đầu tiên, việc tạo điều kiện đầu tư vào cơ sở hạ tầng sẽ là trọng tâm của chương trình nghị sự với việc xây dựng các nhà máy điện và các cơ sở năng lượng liên quan tại các nước đang phát triển. Các bộ trưởng sẽ trao đổi về tầm quan trọng của việc xây dựng các cơ sở sản xuất năng lượng sử dụng nhiên liệu hiệu quả và giảm thiểu tác động đến môi trường. Các quan chức này cũng sẽ chia sẻ quan điểm về đầu tư dài hạn để thúc đẩy phát triển công nghệ năng lượng sạch nhằm cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Dự kiến trong ngày họp thứ hai, các bộ trưởng sẽ thảo luận về cách thức đảm bảo nguồn cung khí đốt tự nhiên trong bối cảnh nhu cầu tại châu Á đang ngày càng tăng. Hội nghị cũng sẽ đề cập đến các vụ tấn công mạng nhằm vào cơ sở hạ tầng năng lượng và an toàn năng lượng hạt nhân.
Hội nghị dự kiến sẽ ra một tuyên bố chung. Kết quả đối thoại sẽ được xem xét trong phiên thảo luận của Hội nghị thượng đỉnh thường niên G-7 dự kiến diễn ra vào cuối tháng 5 tới tại Ise-Shima, Nhật Bản. Nhóm G-7 gồm Anh, Pháp, Mỹ, Canada, Đức, Italy và Nhật Bản.