Theo lịch trình, Ngoại trưởng các nước G-7 sẽ có các cuộc gặp kéo dài trong hai ngày, thảo luận về nhiều vấn đề như giải giáp vũ khí hạt nhân, xung đột tại Syria, Ukraine, cuộc chiến chống khủng bố… Phát biểu trước báo giới, ông Steinmeier bày tỏ hy vọng rốt cục thì G-7 cũng trở lại với mô thức G-8 như trước đây, với sự quay trở lại của Nga. “Tôi mong muốn mô hình G-7 sẽ không kéo dài lâu và chúng tôi đã tạo ra những tiền đề để (G-7) lại thành G-8”, hãng tin DPA (Đức) dẫn lời ngoại trưởng nước này.
Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier. Ảnh: Reuters |
Ngoại trưởng Đức nêu bật vai trò tích cực của Nga trong tiến trình xử lý khủng hoảng Syria, Ukraine, coi đây là lý do để G-7 ngừng tẩy chay Nga. Tuy nhiên, các điều kiện để Nga “tái hợp” nhóm G-7 sẽ chưa thể có trong năm nay – ông Steimeier nói. Tháng 6/2015, ông này cũng từng đưa ra một tuyên bố tương tự.
G-7 được thành lập năm 1977 và khởi nguồn được coi là “Câu lạc bộ” của 7 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Năm 1998, G-7 mở rộng và kết nạp thêm Nga, dù tại thời điểm đó kinh tế Nga lâm vào khủng hoảng kinh tế tồi tệ. Trước đó, Nga từng có nhiều năm tham dự không chính thức tại các cuộc gặp của G-7, thông qua mô thức G7+1.
Năm 2014, Nga dự kiến đăng cai hội nghị thượng đỉnh thường niên G-8. Tuy nhiên, các thành viên còn lại tuyên bố tẩy chay sự kiện này để phản đối kịch bản Crimea sáp nhập vào Nga. Sau cùng, người dân Crimea đã bày tỏ chính kiến của mình thông qua cuộc trưng cầu dân ý. Kể từ đó đến nay, Nga không tham gia bất kì hoạt động nào của G-7.