Các nhà lãnh đạo tham dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G-20) đã không thể xóa bỏ những bất đồng xung quanh kế hoạch tấn công quân sự nhằm vào Syria mà Mỹ đang soạn thảo.
Bất đồng sâu sắc
Dù Syria không nằm trong chương trình nghị sự chính thức của hội nghị G-20, nhưng các lãnh đạo tham dự G-20 lại liên tục thảo luận ngoài lề về vấn đề này từ sáng sớm cho đến bữa ăn tối-làm việc đầu tiên. Tổng thống Nga Vladimir Putin, trong vai trò chủ nhà tổ chức hội nghị, đã tuyên bố vấn đề Syria chỉ được bàn trong bữa tối do lo ngại bất đồng về vấn đề này sẽ làm hỏng lịch làm việc của hội nghị G-20 trong các vấn đề khác.
Các vị lãnh đạo tham dự hội nghị G20 chụp ảnh kỷ niệm. Ảnh: Duy Trinh |
Trong bữa tối kéo dài tới tận 1 giờ sáng ngày 6/9 (giờ địa phương), lãnh đạo các nước đã lần lượt nhắc lại quan điểm về vấn đề Syria trong mỗi bài phát biểu kéo dài 10 phút mà không đạt được bước đột phá nào. Lãnh đạo các nước chỉ đơn thuần trình bày quan điểm về cuộc khủng hoảng Syria, qua đó cho thấy mức độ chia rẽ toàn cầu về vấn đề này.
Trong đó, Tổng thống Putin là một trong những người phản đối mạnh mẽ nhất đối với kế hoạch của Mỹ. Cả trước và trong hội nghị G-20, ông Putin luôn khẳng định tấn công Syria mà không được Liên hợp quốc cho phép là hành động gây hấn.
Trung Quốc và một số quốc gia phương Tây cũng chia sẻ quan điểm của ông Putin. Sau khi quốc hội Anh bỏ phiếu phản đối Anh tham chiến ở Syria, chỉ còn duy nhất Pháp tuyên bố cùng Mỹ trừng phạt chế độ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Phát ngôn viên Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov, cho biết: “Một số quốc gia bảo vệ quan điểm rằng cần phải có các biện pháp nhanh chóng, bỏ qua các thể chế quốc tế. Số khác lại kêu gọi không được coi thường luật pháp quốc tế và không được quên rằng chỉ có Hội đồng Bảo an LHQ mới có quyền quyết định dùng vũ lực”.
Trong khi đó, Đại sứ Mỹ tại LHQ Samantha Power đã cáo buộc Nga coi HĐBA LHQ là “con tin” trong cuộc khủng hoảng ở Syria. Đáp lại, ông Peskov nói Nga không cản trở công việc của HĐBA và khuyến khích các đối tác cân nhắc tình hình ở Syria một cách có trách nhiệm, không được dùng “những bằng chứng mà không phải là bằng chứng” để biện minh cho hành động của mình.
Kế hoạch hành động St. Petersburg
Hội nghị thượng đỉnh G-20 ngày 6/9 đã bế mạc và thông qua tuyên bố chung đề cập đến một loạt vấn đề tăng trưởng bền vững và cân bằng của nền kinh tế thế giới.
Tuyên bố chung bao hàm toàn bộ các vấn đề được thảo luận tại G-20 và Kế hoạch hành động St. Petersburg. Trong tuyên bố chung, các nhà lãnh đạo G20 cho rằng tình hình kinh tế toàn cầu đã cải thiện song còn quá sớm để nói cuộc khủng hoảng đã kết thúc, đồng thời khuyến cáo việc thay đổi chính sách tiền tệ cần được thực hiện một cách thận trọng và có sự phối hợp rõ ràng.
Kế hoạch hành động St. Petersburg đề cập tới việc đảm bảo tăng trưởng ổn định cũng như công ăn việc làm, kế hoạch đầu tư dài hạn, báo cáo về việc thực thi cải cách qui định tài chính, và thu thuế. Các nhà lãnh đạo G20 cũng nhất trí đến năm 2016 từ bỏ chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch. Theo Tổng thống Putin, kinh tế thế giới cần một cuộc cải cách cơ cấu toàn diện với trọng tâm là đảm bảo tăng trưởng và phát triển dài hạn và đây chính là lôgíc của Kế hoạch hành động St. Petersburg vì tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm. Ông Putin cho biết cơ sở của kế hoạch là chiến lược ngân sách cũng như cam kết của các nước thực thi cải cách cơ cấu.
Ngoài ra các nhà lãnh đạo G20 cũng đã thống nhất phát triển một kế hoạch của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) để chống lại tình trạng gian lận thuế.
Thùy Dương - Duy Trinh(P/v TTXVN tại Nga)