Fiji bắt buộc tiêm vaccine COVID-19, người không tiêm sẽ bị đuổi việc

Đảo quốc Thái Bình Dương Fiji vừa công bố kế hoạch bắt buộc toàn bộ người lao động tiêm vaccine ngừa COVID-19 với thông điệp cương quyết Thủ tướng Frank Bainimarama đưa ra là “không tiêm, mất việc”.

Chú thích ảnh
Một điểm tiêm vaccine COVID-19 tại Fiji. Ảnh: AFP

Hãng thông tấn AFP đưa tin ông Bainimarama yêu cầu toàn bộ nhân viên trong lĩnh vực công ở quốc gia có 930.000 dân này phải nghỉ phép nếu như không đi tiêm mũi đầu tính đến hạn 15/8 và sẽ bị sa thải nếu không tiêm mũi hai tính đến hạn 1/10. 

Các cá nhân vi phạm sẽ phải đối mặt với khoản tiền phạt nặng, trong khi các công ty có người lao động vi phạm có nguy cơ phải đóng cửa.

“Không tiêm thì mất việc. Tiêm vaccine là điều mà khoa học chỉ ra là an toàn nhất. Đó cũng là chính sách của chính phủ và được thực thi thông qua pháp luật”, nhà lãnh đạo Fiji phát biểu trong thông điệp quốc gia vào cuối ngày 8/7. 

Chính phủ Fiji đã đưa ra chính sách mạnh tay trên sau khi ghi nhận tỷ lệ người dân chấp hành các biện pháp chống lây nhiễm như giãn cách xã hội và đeo khẩu trang là không cao, dẫn đến sự gia tăng đột biến số lượng lớn các ca mắc COVID-19. 

Cho đến tháng 4 vừa qua, trong suốt 1 năm, Fiji không ghi nhận trường hợp mắc COVID-19 nào trong cộng đồng, song một vụ vi phạm quy định cách ly đã khiến biến thể Delta nhanh chóng lây lan. Quốc gia này hiện có thêm trên 700 trường hợp mắc mới mỗi ngày.

Hệ thống y tế thiếu thốn tại đây đã hoạt động lên mức đỉnh điểm. Bệnh viện lớn nhất đất nước ở thủ đô Suva trong tuần này đã thông báo rằng nhà xác của họ bị kín chỗ, đồng thời yêu cầu các gia đình đến đưa thi thể người thân về. 

Chính phủ đã phản đối những lời kêu gọi phong tỏa toàn quốc, viện dẫn nguyên nhân là tác động đến nền kinh tế cùng tính khả thi mong manh của lệnh phong tỏa tại các khu vực đông dân cư. Thay vào đó, ông Bainimarama triển khai phong tỏa những điểm nóng lây nhiễm, trong đó có thủ đô Suva, kết hợp tăng tốc tiêm vaccine. 

Trong khi có gần 340.000 người trưởng thành đã tiêm mũi đầu, ông Bainimarama chỉ trích những thông tin sai lệch trên mạng xã hội đã khiến nhiều người e dè, đồng thời trấn an họ bằng chia sẻ rằng bản thân ông không gặp bất kỳ tác dụng phụ nào sau tiêm. 

Ngày 7/7, Fiji bắt đầu phân phát nhu yếu phẩm tới các hộ dân nhằm kêu gọi mọi người ở nhà trước tình hình biến thể Delta gây ra nhiều ca mắc mới COVID-19. 

Chính phủ Fiji thông báo trên Twitter rằng lực lượng cảnh sát đã phối hợp với một siêu thị để giao các mặt hàng cần thiết cho người dân tại khu vực phong tỏa hoặc thuộc diện cách ly tại nhà. Việc giao hàng hóa tận nhà chủ yếu được triển khai tại những khu vực dân cư thu nhập thấp. 

Tính từ lúc đại dịch COVID-19 bùng phát đến nay, quốc gia có dân số chưa đến 1 triệu người này chỉ ghi nhận 39 trường hợp tử vong, song phần lớn số ca xảy ra sau khi biến thể Delta xuất hiện hồi tháng 4. 

Bà Kate Greenwood, người đứng đầu phái đoàn Thái Bình Dương của Liên đoàn Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, cho hay tính trên quy mô dân số, Fiji đang chịu ảnh hưởng nặng nề hơn so với Ấn Độ tại thời điểm bùng phát dịch bệnh.

Ông Neil Sharma, cựu Bộ trưởng Y tế Fiji chia sẻ với Reuters rằng ông hy vọng chính phủ sẽ phong tỏa diện rộng trong vòng 2 tuần. Ông cho hay: “Không giống một số nước phát triển, nơi mọi người có thể phong tỏa và ở trong nhà, người dân Fiji vẫn ra đường, một số thậm chí còn không đeo khẩu trang”.

Hoàng Trang/Báo Tin tức
Tiêm chủng hàng đầu thế giới, Israel vẫn chọn cẩn trọng trước biến thể Delta
Tiêm chủng hàng đầu thế giới, Israel vẫn chọn cẩn trọng trước biến thể Delta

Số ca mắc mới tăng lên khiến Israel – quốc gia đi đầu thế giới về tiêm chủng ngừa COVID-19, phải tính toán lại biện pháp nới lỏng, mở cửa.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN