ExxonMobil kiện Chính phủ Mỹ về án phạt liên quan Nga

Ngày 20/7, tập đoàn dầu khí ExxonMobil kiện Chính phủ Mỹ phạt tập đoàn này 2 triệu USD vì một công ty liên doanh dầu mỏ với tập đoàn dầu khí Rosneft của Nga hoạt động được 3 năm nay.

Vụ kiện được đưa ra ngay sau khi Bộ Tài chính Mỹ sáng cùng ngày thông báo án phạt trên đối với ExxonMobil vì lý do vi phạm lệnh trừng phạt Nga liên quan đến tình hình ở Ukraine. Thông báo của bộ trên nêu rõ công ty này bị phạt vì tháng 5/2014 đã ký 8 văn bản hợp tác với Chủ tịch Rosneft Igor Sechin, người có tên trong danh sách cấm vận của Mỹ. Thời điểm đó, Ngoại trưởng Rex Tillerson đang là Giám đốc điều hành ExxonMobil.

Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành ExxonMobil Rex Tillerson phát biểu tại Hội nghị khí đốt thế giới ở Paris, Pháp ngày 2/6/2015. Ảnh: AFP/TTXVN

Các văn bản nói trên được lãnh đạo ExxonMobil ký với Chủ tịch Rosnef Sechin khoảng 1 tháng sau khi Bộ Tài chính Mỹ áp đặt trừng phạt đối với ông Sechin nhằm gây sức ép với Nga liên quan đến vấn đề Ukraine. Lệnh trừng phạt cấm mọi công dân Mỹ hoặc người đang sống tại Mỹ tiến hành giao dịch với những người trong "danh sách đen", như ông Sechin. Bản thân tập đoàn Rosnef là đối tượng của các lệnh trừng phạt hẹp hơn, theo đó vẫn cho phép người Mỹ hợp tác với tập đoàn này trong một số giao dịch.

Phản ứng về án phạt của Chính phủ Mỹ, ExxonMobil cho là "trái luật". Trong đơn kiện dài 21 trang, ExxonMobil khẳng định án phạt trên là "không công bằng" bởi ông Sechin "là đối tượng trừng phạt trong khả năng cá nhân ông ta" và sắc lệnh trừng phạt khi đó đã nói rõ rằng các trừng phạt chỉ áp dụng với "các tài sản cá nhân" của những cá nhân bị trừng phạt và không hạn chế hoạt động kinh doanh với các công ty mà những đối tượng này quản lý. ExxonMobil kiện Chính phủ Mỹ tại tòa án ở Texas nhằm thay đổi quyết định về án phạt trên. Trụ sở của ExxonMobil đặt tại Irving, Texas.

Vụ việc này gây sự chú ý bởi giám đốc điều hành ExxonMobil thời đó hiện là một thành viên nội các của Tổng thống Donald Trump. ExxonMobil kiện chính phủ ra tòa dù trên thực tế án phạt trên - mức phạt tài chính cao nhất - sẽ chỉ tác động rất nhỏ đối với tập đoàn có doanh thu 7,84 tỷ USD năm 2016.

Ông Tillerson đã rời ExxonMobil năm 2016 và trở thành Ngoại trưởng Mỹ sau 10 năm điều hành tập đoàn này. Hiện ông phụ trách chính sách đối ngoại của Mỹ, bao gồm cả việc phối hợp đưa ra các quyết định trừng phạt của Mỹ. Bộ Ngoại giao cho biết bộ đã được thông báo về án phạt trên ngày 19/7, song khẳng định đây là chuyện giữa ExxonMobil và Bộ Tài chính.

ExxonMobil từ lâu đã phản đối các lệnh trừng phạt mà Mỹ áp đặt với Nga, cho rằng chúng có hại cho các lợi ích kinh doanh của Mỹ trong khi đem lại lợi ích cho các đối thủ tại châu Âu. Năm 2014, ông Tillerson từng nói công ty của ông không ủng hộ trừng phạt vì cho rằng các lệnh trừng phạt sẽ không hiệu quả "trừ phi được thực thi thật tốt".

Các lệnh trừng phạt cũng là một chủ đề được nêu ra tại phiên điều trần ông Tillerson trước khi nhận chức vụ mới. Các nghị sĩ Cộng hòa và Dân chủ lo ngại Tổng thống Trump sẽ sớm dỡ bỏ các trừng phạt của Mỹ đối với Nga. Trong phiên điều trần, ông Tillerson cũng nhắc lại rằng "khi các trừng phạt được áp đặt, chúng sẽ làm tổn hại đến công việc kinh doanh của Mỹ", song ông cho biết thêm rằng ExxonMobil "chưa bao giờ trực tiếp vận động hành lang chống lại các lệnh trừng phạt".

TTXVN/Tin Tức
Hé lộ lý do CEO ExxonMobile được chọn vào ghế Ngoại trưởng
Hé lộ lý do CEO ExxonMobile được chọn vào ghế Ngoại trưởng

Để bảo vệ cho quyết định lựa chọn Ngoại trưởng gây tranh cãi của mình, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump khẳng định chính sách đối ngoại của Mỹ cần "một hướng đi mới".

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN