EU tích cực 'chiêu hiền, đãi sĩ' từ Mỹ

Trong một động thái quyết liệt nhằm củng cố vị thế khoa học toàn cầu, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 5/5 sẽ chủ trì một hội nghị quan trọng tại Paris với mục tiêu đầy tham vọng: Thu hút các nhà nghiên cứu Mỹ đang cân nhắc chuyển đến châu Âu do những chính sách gây lo ngại của Tổng thống Donald Trump.

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa: reddit.com

Hội nghị "Chọn châu Âu vì Khoa học" diễn ra tại Đại học Sorbonne danh tiếng ở thủ đô Paris, quy tụ các ủy viên Liên minh châu Âu (EU), các nhà khoa học hàng đầu và bộ trưởng phụ trách nghiên cứu từ các quốc gia thành viên của khối. Tâm điểm các cuộc thảo luận sẽ tập trung vào những ưu đãi tài chính hấp dẫn, nhằm "trải thảm đỏ" mời gọi những “bộ óc khoa học ưu tú” của Mỹ sang châu Âu làm việc.

Hội nghị được tổ chức trong bối cảnh các trường đại học và cơ sở nghiên cứu tại Mỹ đang đối mặt với áp lực chính trị và tài chính ngày càng tăng từ Chính quyền Tổng thống Trump, bao gồm cả việc bị cắt giảm mạnh nguồn tài trợ liên bang. Nhiều chương trình nghiên cứu đứng trước nguy cơ bị đình chỉ. Hàng chục nghìn nhân viên liên bang bị sa thải, trong khi các sinh viên nước ngoài lo sợ bị trục xuất.

EU nói chung và nước Pháp nói riêng kỳ vọng sẽ trở thành "bến đỗ an toàn" cho những nhà nghiên cứu này. Hồi tháng trước, Tổng thống Pháp đã trực tiếp kêu gọi các nhà nghiên cứu nước ngoài, đặc biệt từ Mỹ, hãy chọn Pháp làm nơi "lạc nghiệp mới". Ông cũng công bố kế hoạch về một chương trình tài trợ đặc biệt để giúp các trường đại học và cơ sở nghiên cứu trang trải chi phí đón các nhà khoa học nước ngoài đến Pháp làm việc.

Đại học Aix Marseille ở miền Nam nước Pháp cho biết đã nhận được một lượng lớn đơn đăng ký sau khi hồi tháng 3 tuyên bố rằng sẽ mở cửa chào đón các nhà khoa học Mỹ đang bị đe dọa bởi các đợt cắt giảm ngân sách. Tuần trước, Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp (CNRS) - một tổ chức nghiên cứu hàng đầu của nước này - cũng đã khởi động sáng kiến mới nhằm thu hút các nhà nghiên cứu nước ngoài và các nhà nghiên cứu Pháp đang làm việc ở nước ngoài nhưng giờ muốn về Pháp làm việc.

Giới chuyên gia đánh giá, mặc dù các quốc gia EU có thể cung cấp cơ sở hạ tầng nghiên cứu cạnh tranh và chất lượng cuộc sống cao nhưng nguồn tài trợ nghiên cứu và mức lương cho các nhà nghiên cứu vẫn thấp hơn đáng kể so với Mỹ. Chủ tịch CNRS Antoine Petit cho rằng khoảng cách thu nhập này sẽ thu hẹp lại, khi xét đến cả các yếu tố khác ở châu Âu như chi phí giáo dục và y tế thấp hơn, trong khi phúc lợi xã hội cao hơn.

Hiện EU đang hướng đến các nhà nghiên cứu trong một số lĩnh vực cụ thể như y tế, khí hậu, đa dạng sinh học, trí tuệ nhân tạo và không gian.

Lan Anh (TTXVN)
Doanh nghiệp Mỹ điều chỉnh kế hoạch đầu tư theo chiến lược 'Nước Mỹ trước tiên'
Doanh nghiệp Mỹ điều chỉnh kế hoạch đầu tư theo chiến lược 'Nước Mỹ trước tiên'

Các công ty Mỹ đang công bố các cam kết chi tiêu hàng trăm tỷ USD tại Mỹ, trong bối cảnh Tổng thống Donald Trump sử dụng chính sách thuế quan để thúc đẩy sản xuất trong nước. Nhà Trắng đã tổng hợp một loạt các kế hoạch đầu tư này trên một trang web mới có tiêu đề "The Trump Effect” (Hiệu ứng Trump).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN