EU sửa đổi chính sách theo hướng cô lập Nga

EU đã không cập nhật các nguyên tắc liên quan đến Nga kể từ năm 2016, rất lâu trước khi cuộc chiến của Moskva tại Ukraine bắt đầu.

Chú thích ảnh
Đám đông biểu tình phản đối chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine. Ảnh: AFP

Liên minh châu Âu (EU) đang chính thức hóa một chiến lược mới đối với Nga. Đó là cô lập.

Theo một dự thảo nội bộ mà báo Politico nắm được, giới chức EU đang thảo luận về các nguyên tắc mới để thay thế các tài liệu cũ về chính sách của khối này đối với Moskva. 

Nguyên tắc gây chú ý nhất trong đó chính là: “Cô lập Nga trên phạm vi quốc tế, áp đặt các biện pháp hạn chế chống lại Nga và ngăn chặn sự lách luật”.

Dưới quan điểm của các chuyên gia, động thái điều chỉnh trên đã phản ánh tình hình thực tế hiện nay. Kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine hồi tháng 2, EU đã tập trung thực thi các biện pháp trừng phạt sâu rộng nhắm vào phần lớn nền kinh tế, hàng nhập khẩu và xuất khẩu của nước này.

Cuộc thảo luận giữa các ngoại trưởng EU về dự thảo cô lập Nga đã chính thức bắt đầu trong một cuộc họp ở Brussels hôm 14/11.

Văn bản dự thảo do cơ quan ngoại giao của khối này chuẩn bị gồm 6 điểm nhằm thay thế 5 nguyên tắc hướng dẫn trước đó mà khối đã nhất trí vào năm 2016. 

Ngoài cô lập, các nguyên tắc hàng đầu của tài liệu còn có phần “đảm bảo trách nhiệm giải trình” đối với bất kỳ tội ác chiến tranh nào của Nga và “hỗ trợ các nước láng giềng của EU”, phần lớn đề cập đến các quốc gia Balkan đang tìm kiếm tư cách thành viên EU. 

Dự thảo cũng đề cập đến "hợp tác chặt chẽ với các đồng minh NATO", "hỗ trợ xã hội dân sự" ở Nga và "tăng cường khả năng phục hồi của EU" trong vấn đề phụ thuộc năng lượng vào Nga cũng như là các cuộc tấn công mạng và sự phổ biến của thông tin sai lệch.

Dự thảo mới trên hầu như khác biệt so với dự thảo mà EU đã soạn thảo từ năm 2016. Một số nguyên tắc trong tài liệu đó đã không còn được áp dụng: Chấm dứt xung đột giữa các lực lượng đòi độc lập ở Đông Ukraine và chính phủ, đề nghị Nga tham gia hoạt động chống khủng bố và hỗ trợ các cuộc tiếp xúc trực tiếp. 

Nguyên tắc trước đó của EU cũng đề cập đến tăng cường xã hội dân sự và xây dựng mối quan hệ chặt chẽ hơn với các nước láng giềng của liên minh này. 

Các nhà ngoại giao nhận xét rằng nhìn chung, dự thảo chính sách cập nhật của EU không gây ra những vấn đề lớn. Một điểm gây tranh cãi duy nhất là tuyên bố rằng EU và Nga “không thể quay lại tình trạng quan hệ bình thường” nếu như Nga còn đưa quân đến Ukraine và vi phạm luật pháp quốc tế.

Các nhà ngoại giao EU cho biết một số nước vùng Baltic, vốn có lập trường gay gắt hơn đối với Nga, muốn phần tuyên bố kể trên phải quyết liệt hơn. Trong khi đó, Đức tỏ ra hài lòng với văn bản hiện tại.

Hoàng Trang/Báo Tin tức (Theo Politico )
Tổng thống Ukraine đề xuất kế hoạch hòa bình 10 điểm tại Hội nghị G20
Tổng thống Ukraine đề xuất kế hoạch hòa bình 10 điểm tại Hội nghị G20

Tổng thống Volodymyr Zelensky đề xuất kế hoạch hòa bình 10 điểm nhằm chấm dứt cuộc xung đột tại Ukraine trong bài phát biểu qua video ngay ngày khai mạc Hội nghị thượng đỉnh G20.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN