EC đã đề xuất việc dỡ bỏ thuế quan và hạn ngạch đối với các mặt hàng thực phẩm của Ukraine kéo dài đến tháng 6/2025. Để đáp lại sự phản đối của những người nông dân EU, EC cũng đề xuất áp dụng “phanh khẩn cấp” đối với gia cầm, trứng và đường, nghĩa là sẽ áp đặt thuế quan đối với các mặt hàng này nếu nhập khẩu vượt quá mức trung bình của năm 2022 và 2023.
Ủy ban Thương mại của EP đã bác bỏ một số đề xuất như đưa thêm mật ong và ngũ cốc vào danh sách các mặt hàng có thể phải áp dụng “phanh khẩn cấp” và lấy 2021 là năm tham chiếu vì đây là thời gian trước khi xảy ra xung đột, khi hàng xuất khẩu của Ukraine sang EU bị hạn chế bởi thuế quan và hạn ngạch.
Dự kiến, EP sẽ xác nhận việc phê duyệt gia hạn nói trên vào tuần tới trước khi chính phủ các nước thành viên EU chính thức thông qua. Hiện phần lớn các nước thành viên EU đã ủng hộ việc gia hạn này.
EU đã dỡ bỏ thuế nhập khẩu và hạn ngạch đối với các mặt hàng thực phẩm của Ukraine từ năm 2022 sau khi xảy ra cuộc xung đột Nga - Ukraine. Nông dân EU đã phản đối điều này, cho rằng việc mở cửa thị trường cho hàng hóa thực phẩm của Ukraine gây ra sự cạnh tranh không lành mạnh.
Theo phóng viên TTXVN tại Đông Âu, Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk ngày 7/3 tuyên bố Vácsava coi việc hủy bỏ các ưu đãi thương mại với Ukraine là cần thiết trong bối cảnh nông dân biểu tình rầm rộ, đồng thời kêu gọi tìm cách trở lại với các quy định đã có hiệu lực trước khi bắt đầu cuộc xung đột Nga - Ukraine.
Thủ tướng Tusk nhấn mạnh những thay đổi nhằm bảo vệ thị trường châu Âu và Ba Lan là cần thiết. Với những thay đổi đó, Ba Lan hiểu rằng cần phải cân nhắc để trở lại với những quy định đã có hiệu lực trong thương mại với Ukraine và các nước thứ ba trước khi cuộc chiến ở Ukraine nổ ra.
Theo người đứng đầu chính phủ Ba Lan, Vácsava sẵn sàng giúp đỡ Kiev và không có ý định đóng biên với hàng hóa Ukraine, nhưng cần phải bảo vệ thị trường nông sản nội địa và châu Âu.
Tuyên bố trên được Thủ tướng Tusk đưa ra bất chấp việc hồi tháng 2 ông từng cho biết Vácsava đang cân nhắc khả năng đóng hoàn toàn biên giới với Ukraine đối với việc quá cảnh hàng nhập khẩu. Thủ tướng Tusk dự kiến sẽ tổ chức một cuộc họp với nông dân Ba Lan vào ngày 9/3 tới.
Nông dân Ba Lan bắt đầu cuộc biểu tình trên toàn quốc kéo dài một tháng từ hôm 9/2. Người biểu tình chặn đường và việc tiếp cận các trạm kiểm soát biên giới với Ukraine. Những người biểu tình yêu cầu ngừng nhập khẩu miễn thuế nông sản từ Ukraine và nới lỏng các chính sách khí hậu của EU.
Các cuộc biểu tình như vậy đã lan rộng ở một số quốc gia thành viên EU, bao gồm Pháp, Bỉ, Đức, Italy, Bồ Đào Nha, Romania và Hà Lan.